Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Sinh viên với Năm Đức Tin trước những thách đố của thời đại


Đức Tin là một hồng ân. Một hồng ân thiêng liêng, vô giá mà Thiên Chúa dành tặng cho con người. Nhưng để Đức Tin được triển nở và vững mạnh cần có sự đáp trả của con người, nghĩa là về phía con người đi tìm chân lý, còn về phía Thiên Chúa đã, đang và luôn ban ánh sáng đặc biệt để dẫn dắt con người. Ánh sáng soi đường đó chính là Đức Giêsu Kitô.

 Tuy nhiên, với cuộc sống đôi lúc khiến chúng ta xác tín các thực tại đang đối diện hay những chủ nghĩa duy lý làm cho Đức Tin bị “méo mó” đi. Bởi thế, khi mà cả thế giới đang trong thời kỳ “toàn cầu hóa”, thì hơn bao giờ hết, Đức Tin đóng tầm quan trọng, là điều căn cốt trong cuộc sống con người, cách riêng là những người trẻ - những sinh viên với cuộc sống xa nhà. Liệu rằng, trước những thách đố của thời đại, thế hệ trẻ có giữ được lửa cho ngọn đuốc Đức Tin luôn cháy sáng để soi dẫn chúng ta tiến bước trên con đường tìm về, gắn kết với Thiên Chúa và để Ngài sống trong ta?

Trải dài với thời gian, Đức Tin vẫn là một hồng ân mà Thiên Chúa tuôn đổ vào mỗi người để chúng ta sống một cuộc sống đích thực giữa trần thế. Nhưng trong bối cảnh xã hội bây giờ, dưới góc cạnh của một sinh viên, thử hỏi mỗi chúng ta có còn giữ cho mình một Đức Tin bền vững và tinh tuyền như ngày ban đầu mà Thiên Chúa trao ban? Thực sự sẽ khó, rất khó khi mà xã hội và con người ngày nay đang cố chối bỏ những ý Thiên Chúa muốn ra khỏi cuộc sống, khỏi suy nghĩ và khỏi trái đất này. Sẽ là thách đố lớn với những đôi chân còn non trẻ, những con người mới hòa mình vào xã hội, giữa một đô thị phồn vinh, quanh những trò tiêu khiển hấp dẫn, và đầy những xu hướng đam mê, hưởng thụ mời mọc.

Với những suy tư đó, cách riêng là trong Năm Đức Tin này, chúng ta cùng nhìn lại một số yếu tố gây “cản trở” và làm “lu mờ” đi Đức Tin của mỗi người sinh viên.

Sự thay đổi môi trường sống

Phần lớn sinh viên xuất thân từ những miền quê, nơi có những ngôi làng nhỏ, có gia đình, người thân và bạn bè từ lúc mới lớn... Trái lại, những trường đại học, cao đẳng, trung cấp... thường chỉ có ở những thành phố và thủ đô lớn. Khi mang trên mình tên gọi sinh viên thì đồng nghĩa với việc ta đi đến một môi trường mới, xa gia đình, làng xóm với một cuộc sống hoàn toàn tự lập.

Dưới chiều kích Đức Tin, sự thay đổi môi trường ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin Kitô giáo của mỗi sinh viên. Từ chỗ xung quanh là những người có đạo, gần nhà thờ, bên người thân, chúng ta được hướng dẫn, thúc đẩy về đời sống thiêng liêng thì nay bước vào môi trường “đa chiều”, phải sống giữa những bạn bè không cùng tôn giáo, nơi trường học, trong xóm trọ, và xa cách bóng dáng của những ngôi thánh đường.

Những điều đó ắt hẳn sẽ phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống tâm linh của mỗi sinh viên. Sâu xa hơn, ngày xưa những lời kinh sáng tối vang lên nơi gia đình, trong nhà thờ, nay thì sao? Tiếng kinh, lời nguyện thưa dần trong đêm vắng? Những thánh lễ sáng, giờ Chầu Thánh Thể ban tối hằng ngày nay còn tham dự thường xuyên? Hay chỉ với một thánh lễ Chúa nhật là đủ, xem như “hoàn thành nhiệm vụ”. Hơn thế nữa, môi trường mới dễ làm ta xa Chúa và bị “hòa tan” trong cả tư tưởng, lối sống khi ngày lại ngày ta tiếp xúc với những người xung quanh nơi xóm trọ, giảng đường, trên con phố... Sẽ là khó để giữ được một Đức Tin tinh ròng như những ngày bên cha, bên mẹ, bên những người anh em, nơi giáo họ, giáo xứ...

Hòa nhập xã hội

Thay đổi môi trường sống đi liền với việc hòa nhập xã hội. Nhưng mỗi sinh viên đang hòa nhập hay là hòa tan mình vào cái thời kì kinh tế thị trường này? Có thể nói, lối sống của thời toàn cầu hoá là lối sông mở. Quan niệm về luân lý cũng biến đổi nhiều so với sự đổi thay của môi trường sống là nơi diễn ra những khác biệt về kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa giới tính... Tạo nên những thách đố khác nhau gây ảnh hưởng trực tiếp đến Đức Tin của chúng ta. Một Giám mục Á châu có lý khi ví “toàn cầu hoá như một luồng gió mát lạnh đem đến nhiều lợi ích và thỏa mái, mà chúng ta cần mở rộng cửa để đón nhận. Mặc dù, đôi khi nó cũng mang chướng khí, bão tố và một vài con muỗi”!

Những sự thay đổi đó đánh dấu sự phát triển của xã hội và con người. Nhưng chúng ta có thể thấy, điều căn bản nhất mà dường như xã hội đang lãng quên và đánh mất đó là đạo đức và nhân bản của con người. Không những đánh mất mà còn xuất hiên thêm những yếu tố đối lập với những giá trị nền tảng đó. Sinh viên là những người trẻ, sự thích nghi với cuộc sống rất nhanh, nhưng phần lớn lại không làm chủ được mình, bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội, dẫn đến họ cũng đã và đang xem thường những giá trị cốt lõi đó. Yêu thử, sống thử... tỷ lệ phá thai ở tuổi trẻ ngày càng cao và còn chưa dừng lại ở đó. Rồi những trò chơi vô bổ như game, hút chích, nghiện ngập, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ dưới mọi hình thức...

Đây là một yếu tố cơ bản đã khiến nhiều sinh viên không những bỏ đạo, bỏ nhà thờ mà còn đánh mất cả đạo đức, sự nghiệp, ảnh hưởng đến gia đình về cả kinh tế lẫn tinh thần, và có khi còn đánh mất cả mạng sống mình trong giây lát. Ngoài ra, sinh viên còn dùng cách suy nghĩ “lợi lộc” để bào chữa cho việc chạy đua với thế gian của mình.

Những lối rẽ hấp dẫn như thế đã đưa nhiều sinh viên đi vào bóng đêm của tội lỗi, đi đến ngõ cụt của cuộc sống, đánh mất Đức Tin, bán rẻ lương tâm và chính bản thân mình. Vì vậy làm sao để mỗi chúng ta giữ gìn và cũng cố được Đức Tin mà Chúa đã ban?

Những “căn bệnh chủ nghĩa” của thời đại

Không dừng lại ở đó, nhìn vào lối sống ngày nay, chúng ta thấy rõ những “căn bệnh chủ nghĩa” đang phát triển và ngày càng lan rộng trong mỗi con người. Lo lắng hơn, “căn bệnh chủ nghĩa” cũng đang dần ăn sâu vào những người trẻ, để rồi xem thường những giá trị của con người, lương tâm con người bị bán rẻ, đạo đức được đưa ra cân đo đong đếm bằng đồng tiền, điểm chác và bằng cấp đánh đổi bằng tiền bạc... Quyền lực, danh vọng, đồng tiền đã trở nên những ông chủ đích thực quyết định sự “công bằng” cho luân lý và đạo đức.

Cách riêng những “căn bệnh chủ nghĩa” khiến sinh viên ngày nay trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với đồng loại, chai lì tình thương với anh em mình, mờ mắt trước nỗi đau của tha nhân, câm lặng trước bạo lực, bất công... và điều nguy hiểm hơn là vô cảm trước tội lỗi.

Hơn thế, mọi giá trị trên đời đang bị xem thường khi chủ nghĩa tương đối đang ăn sâu vào lối nghĩ, cách nhìn của mỗi người. Không có một thước đo chuẩn mực nào cho cuộc sống, không có một điểm quy chiếu nào cho suy nghĩ và hành động. Những yếu tố đó cũng đã thâm nhập vào tâm trí sinh viên Công giáo trong lối sống, gặm nhấm những suy nghĩ tích cực dẫn đến niềm tin bị phai nhạt, Đức Tin bị lu mờ. Vậy đâu là điểm quy chiếu để mỗi người trẻ, mỗi sinh viên chúng ta sống xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa? Và để trở nên những người Công giáo tốt, sống Đức Tin và là chứng nhân đích thực của Đức Tin Kitô giáo trong xã hội hôm nay?

Thiếu nền tảng giáo lý căn bản

Điểm quy chiếu cần thiết, nền tảng cho mọi hành động, quy chuẩn cho từng suy nghĩ chính là nền tảng giáo lý đối với mỗi người Công giáo. Đây là yếu tố căn bản nhất, ảnh hưởng nhất đến đến đời sống Đức Tin của mỗi Kitô hữu. Việc học giáo lý ngày một sa sút, không những ở thành thị mà cả nông thôn. Ngày nay, không còn tiếng vang của những giờ học giáo lý như xưa, những câu thưa, câu đáp dần dần đi vào dĩ vãng; tiếng trẻ con đọc kinh, học bổn nay cũng hiếm dần. Dường như việc học giáo lý cũng dần biến chuyển theo “mốt” của thời đại.

Khi mà giáo lý không còn là “sơ cấp, căn bản” thì những hiểu biết cơ bản về Đức Tin, về Thiên Chúa bị mờ nhạt như là một hậu quả tất yếu. Thử hỏi khi bước vào một môi trường mới, hòa nhập vào xã hội với đầy rẫy những ngã rẽ hấp dẫn của thế gian, sinh viên còn giữ được bản thân mình không? Còn giữ được vững cái nền tảng của Đức Tin Kitô giáo?

Ngày hôm nay, sinh viên quá xem thường giáo lý mà Hội Thánh đề ra, mà còn xem đó là một mớ lý thuyết hỗn độn không đáng quan tâm. Trong khi đó, Giáo hội vẫn luôn khẳng định “ Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo là một công cụ nâng đỡ Đức Tin, đặc biệt trong môi trường xã hội tục hóa và khoa học kỹ thuật hôm nay” (tài liệu Năm Đức Tin của Tổng Giáo phận Sài Gòn). Như vậy, trong thời kỳ toàn cầu hóa này, chúng ta cần một nền tảng giáo lý vững chắc để có thể đứng vững và làm quy chiếu cho mọi hành động và suy nghĩ trong cuộc sống hằng ngày.

Không những thế, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta là những chứng nhân Tin Mừng giữa đời như lời Đức Thánh Cha gửi gắm: “Ngày nay Giáo Hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui Đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền Đức Tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa”. (Tự sắc Porta Fidei – Cánh cửa Đức Tin, số 7).

Thay lời kết

Trên đây là phần nào những thách đố của thời đại đã và đang ăn sâu vào đời sống con người, cách riêng là những sinh viên gây hiệu ứng to lớn đến đời sống Đức Tin của mỗi chúng ta. Như Đức Thánh Cha Benedicto XVI khẳng định: “Quả thật, nhiều hơn so với trước đây, Đức Tin hiện đang phải đối diện với một loạt vấn đề, do não trạng con người đã thay đổi...” (Tự sắc Porta Fidei – Cánh cửa Đức Tin, số 12). Đó là những thách đố lớn đối với Đức Tin của người Kitô hữu, cách riêng là những bạn trẻ.Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, cách riêng là những sinh viên hãy nhìn lại hành trình Đức Tin một cách rõ ràng và tổng quát. Qua đó, chúng ta có sự chuẩn bị, trau dồi và bổ dưỡng cho Đức Tin của mình ngày một vững chắc, sống động, hài hòa với thời gian và xã hội.

Để đạt được điều đó, thì trước hết mỗi chúng ta hãy quy chiếu mọi sự về Đức Kitô, hãy “bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta được củng cố trong Đức Tin”(Bài giáo lý 2 cho giới trẻ Việt Nam tại ngày Giới trẻ thế giới 2011 – Gm. Vũ Văn Thiên). Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta cùng hướng lòng lên Mẹ Maria, học nơi Mẹ một Đức Tin vững mạnh, một niềm tin tuyệt đối ngang qua hai tiếng “Xin vâng”. Để Mẹ hướng dẫn, củng cố ta trong Đức Tin và thúc đẩy ta loan truyền tình thương Cứu độ của Chúa.

Xin mượn lời của Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong Tự sắc Porta Fidei (Cánh cửa Đức Tin) để thay cho lời cuối cùng muốn nói: Mỗi chúng ta hãy “tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô”  đồng thời “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và mới niềm xác tin được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” và “ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Người chúng ta mới vững lòng nhìn về tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và lâu bền” (Tự sắc Porta Fidei, số 2, 9 và 15).

 

 Nhân dịp khai mạc Năm Đức Tin,
  J.B Lê Đình Nam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét