Lời Chúa: Ga 2,13-22
Tẩy uế Đền Thờ
13Gần đến lễ Vượt Qua của người Dothái,
Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. 14Người
thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi
đổi tiền.15Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng
với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung
ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16Người
nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng
biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." 17Các
môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà
Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. 18Người
Dothái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là
ông có quyền làm như thế? "19Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ
phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." 20Người Dothái nói:
"Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba
ngày ông xây lại được sao? " 21Nhưng
Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22Vậy, khi Người từ cõi
chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh
và lời Đức Giêsu đã nói.
Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2,16)
Suy
niệm:
Vào thời Đức Giêsu, lễ Vượt Qua
là một trong ba đại lễ, buộc người Do Thái ở khắp nơi phải hành hương về Đền
thánh Giêrusalem để sát tế và ăn bữa tiệc chiên Vượt Qua, kỷ niệm biến cố Xuất
Hành, trong đó Đức Chúa đã dùng Môsê giải phóng con cháu Giacóp là dân Do Thái
khỏi ách làm nô lệ cho dân Ai Cập.
Đền Thờ là dấu chỉ Đức Chúa hiện
diện giữa dân Người. Không kể đền thờ tạm là Nhà Lều trong thời gian 40 năm dân
Do Thái đi qua sa mạc, còn có ba Đền Thờ được xây dựng tại Giêrusalem là Đền
Thờ Salômôn, Đền Thờ Sau Lưu Đầy và Đền Thờ thời vua Hêrôđê.
Sự bất kính do bọn con buôn gây
ra đã khiến Đức Giêsu rất đau lòng. Người nổi cơn thịnh nộ và đã dùng dây thừng
cột thú vật được ném bừa bãi ở đó, chắp lại thành roi rồi dùng mà đánh đuổi bọn
con buôn ra khỏi Đền Thờ.
“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi
buôn bán”: Nói câu này, Đức Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa. “Nơi buôn bán” hay
“hang trộm cướp” là kiểu nói diễn tả tình trạng bất kính ở trong Đền Thờ, một
nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa. Thế là ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã tuyên sấm
quở trách dân Do Thái xưa (Gr 7,11).
“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà
tôi đây sẽ phải thiệt thân”: “Sẽ phải thiệt thân” nghĩa là “sẽ phải chết”. Như
vậy ý nghĩa lời Thánh Vịnh 69,10 như sau: lòng nhiệt thành với Đền Thờ sẽ dẫn
Đức Giêsu đến chỗ Người sẽ bị người đời bách hại (Ga 15,5).
“Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho
chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”: “Người Do Thái” trong câu này ám
chỉ các chức sắc Đền Thờ là các Tư tế và thầy Lêvi. Họ bực tức khi thấy Đức
Giêsu tự động đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ. Do đó họ hạch hỏi Đức Giêsu
dựa vào dấu lạ nào để chứng minh mình có quyền làm như thế. Trước đây họ cũng
nhiều lần đòi Đức Giêsu chứng minh do Thiên Chúa sai đến, bằng cách phải làm
các phép lạ cho họ thấy mà tin (Mt 12,38 ; Mc 8,11 ; Lc 11,16).
“Các ông cứ phá Đền Thờ này đi,
nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”: Ở đây, Đức Giêsu cho họ một phép lạ làm
chứng Người được Thiên Chúa sai đến, là phép lạ Người sẽ sống lại nội trong ba
ngày. Tuy nhiên Đức Giêsu sử dụng kiểu nói dụ ngôn mà các ngôn sứ hay dùng là
đã gọi thân thể của mình là Đền Thờ. Câu này có nghĩa là: Dù họ có giết chết
Người thì cũng chỉ trong ba ngày Người sẽ sống lại.
Thế nhưng các đầu mục Do Thái đã
hiểu sai ý của Đức Giêsu. Họ hiểu lời Người theo nghĩa đen nên mới nói về thời
gian xây dựng Đền Thờ mất 46 năm (Khởi công năm 20 trước Công Nguyên và đến năm
26 sau Công nguyên mới tạm hoàn thành những công trình chính), đang khi ý Đức
Giêsu ám chỉ Đền Thờ là Thân Thể của Người. Sau này khi Thượng Hội Đồng Do Thái
xét xử Đức Giêsu dưới quyền chủ tọa của Caipha, có hai kẻ đã đứng ra cáo gian
Người rằng: “Tên này đã nói: Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa và nội trong ba
ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26,61). Họ còn nhắc lại lời tố cáo này khi lăng nhục
Người trên thập giá (Mt 27,40). Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là
chính thân thể Người: Thân Thể Đức Giêsu phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện
và tỏ mình ra cho loài người (Ga 1,14). Thân thể ấy là Đền Thờ Mới, là nơi thờ
phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Ga 4,23-24).
Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó: Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh và được ơn Thánh Thần tác động, các môn đệ mới hiểu chính xác về lời nói và việc làm của Đức Giêsu (Ga 12,16 ; 14,26).
Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó: Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh và được ơn Thánh Thần tác động, các môn đệ mới hiểu chính xác về lời nói và việc làm của Đức Giêsu (Ga 12,16 ; 14,26).
Với lòng nhiệt thành yêu mến
Thiên Chúa, Đức Giêsu không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi
Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa bằng việc
dùng roi xua đuổi bọn con buôn cùng với tiền bạc, chiên bò, chim câu của họ...
ra khỏi Đền Thờ. Người tẩy uế Đền Thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay
việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa sẽ phải được cử hành mãi mãi trong Đền Thờ
Mới là thân xác Phục Sinh của Người, thay cho sự thờ phượng tạm bợ trong Đền
Thờ Giêrusalem bằng gỗ đá.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ ra oai
nghiêm và quyết liệt khi dùng roi xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ mà
không ngại bị họ thù ghét, làm hại. Nếu Chúa sống trong thời đại của chúng con
hôm nay, chắc hẳn Chúa cũng đã phải mạnh tay hơn để tẩy uế, khi nhiều ngôi
Thánh Đường bị coi thường. Một số nhà thờ vì không có khuôn viên và chung quanh
là đường đi, nên bị một số người thiếu ý thức đem rác đến đổ bừa bãi, biến sân
nhà thờ trở thành một bãi rác công cộng, mất vẻ mỹ quan nơi Nhà Chúa. Rồi những
phần tử bất hảo cũng kéo đến tổ chức ăn nhậu, bài bạc, hút chích...gây cảnh ồn
ào náo loạn, làm mất sự trang nghiêm trật tự lẽ ra phải có ở nơi dành riêng cho
việc thờ phượng. Xin cho chúng con can đảm đóng góp phần mình vào việc tẩy uế
đền thờ bằng mọi phương cách. Nhất là xin cho chúng con biết quan tâm đến đền
thờ tâm hồn nơi mỗi con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét