Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Chúa Nhật XXVIII thường niên B Lời Chúa: Mc 10, 17-30


Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời (Mc 10,21)

Suy niệm: 
Bài đọc I hôm nay nói về phẩm chất khôn ngoan. Nhưng chẳng hiểu tác giả muốn ám chỉ phẩm chất khôn ngoan nào. Vì ông nói nó quí hơn vàng bạc, sức khoẻ, vương trượng, ngai vàng, sắc đẹp… nghĩa là chẳng có chi sánh bằng: “Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan tôi đã quý trọng hơn vương trượng, ngai vàng, so với Đức Khôn Ngoan tôi coi của cải chẳng ra gì…vàng bạc chỉ là cát bụi.” Nhưng điều lạ là Đức khôn ngoan được nhân cách hoá biến thành “bà khôn ngoan”, chứ không phải phẩm chất. Bà khôn ngoan còn sang trọng hơn cả ánh sáng: “Đức khôn ngoan hơn ánh sáng vì vẻ rực rỡ của nó chẳng bao giờ tàn lụi.” Tác giả muốn nói gì?

Theo như phỏng đoán thì tác giả cuốn sách là vua Salômôn. Ông nổi tiếng về phẩm chất khôn ngoan. Vì không những hàng ngày ông cầu xin cho được thông tuệ thực hiện những lựa chọn tốt, mà còn truyền thống tôn giáo giúp đỡ ông làm những quyết định đúng đắn về tinh thần và luân lý. Tác giả xem ra không chỉ bằng lòng với bấy nhiêu thôi. Ông còn xin cho được những điều tốt lành hơn. Những điều mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho. Do đó ông cất lời kêu xin: “Tôi nguyện xin và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.” Bởi vì giàu có để làm gì nếu không có ơn lành của Khôn Ngoan hướng dẫn đạt tới khát vọng sâu thẳm nhất của cuộc đời là thành toàn cá nhân?
Cuốn sách mô tả Đức khôn ngoan ở giống cái. Ngôn ngữ cổ Do Thái, từ khôn ngoan là giống cái. Nhưng còn một lý do khác: Tác giả khao khát một điều gì đó vượt lên trên các thành ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn của đời thường. Tác giả muốn nhắc nhở chúng ta mọi thứ chúng ta tưởng là quan trọng thực ra sẽ qua đi. Ông muốn điều chi vững bền hơn, ông muốn một người bạn đồng hành dẫn dắt mình qua những thăng trầm của cuộc sống. Lời cầu xin của ông đã được chấp nhận. Một người bạn trọn đời trung tín và lịch thiệp đã đến với ông “Và thần khí khôn ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan tôi đã quý chuộng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan.” Như vậy ông đã có một ánh sáng rất là thông tuệ để hướng dẫn mình, ánh sáng vượt lên trên hết mọi sự thông minh khác.
Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là ánh sáng khôn ngoan ấy. Khi người thanh niên sấp mình trước mặt Ngài hỏi: “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa trả lời: Anh chỉ còn thiếu “một điều”. Nếu người thanh niên nhanh trí đủ thì nhận ra điều anh đang thiếu giống như tác giả sách khôn ngoan “thông tuệ suốt cuộc đời”. Nhưng anh không ngộ ra nên Chúa nhắc khéo, như nhân viên nhắc văn bản trong các buổi diễn kịch sân khấu: “Phải tôi sẽ bán tất cả của cải hiện có, phân phát cho kẻ nghèo, sắm lấy kho tàng trên trời.” Anh đang cần một điều mà anh chẳng hề có, anh không thể tự cung cấp, anh chỉ có thể cầu xin với Người trước mặt anh ban cho. Đó là một ân huệ trổi vượt trên cả ánh sáng. Nhưng người thanh niên đã bỏ lỡ cơ hội, không dám gạt sang một bên những của cải chóng qua để nhận lãnh ơn huệ đó. Anh buồn rầu bỏ đi. Anh không thể có cả hai: của cải đời này và Chúa Giêsu. Hoặc anh chọn Ngài, hoặc từ chối Ngài mà bám lấy giàu sang phú quý. Bài học quá rõ ràng cho những ai quyết tâm làm tôi Chúa. Tác hại thay, hơn hai ngàn năm trôi qua mà thiên hạ vẫn chưa học nổi. Họ vẫn bắt cá hai tay. Xin Chúa ban thêm cho chúng ta ánh sáng khôn ngoan để lựa chọn cho chính xác. Bởi chỉ khi đó, Hội Thánh mới có cơ hội thăng tiến trên đường thiêng liêng. Thánh thiện mới thực sự ló dạng.
Thánh Marcô mở màn giai đoạn này của Tin Mừng nói rằng Chúa khởi sự hành trình lên Giêrusalem. Hành trình không phải là vị trí cố định và an toàn. Người lữ hành phải xông pha vào thay đổi và bất định. Tiếng Anh gọi là ‘hit the road’, một từ ngữ gợi lên nhiều vất vả nhọc nhằn, người ta phải cố gắng luôn, chẳng thể êm ấm ở trong nhà mình với của cải giàu sang. Những người theo Chúa cũng phải khốn đốn qua nhiều chặng khác nhau của con đường, gặp những người, những hoàn cảnh mà mình không có quyền chọn lựa. Theo Chúa là nhổ rễ khỏi an toàn hiện tại, mà  theo ánh sáng chỉ dẫn, gặp những tình huống không ưa, những nhân vật mình không thích, không còn tự do chọn lựa số phận và tương lai. Người khác quyết định cho mình. Theo Chúa là luôn luôn ở trong hoàn cảnh mới, định mệnh mới. Thực tế Chúa mặc khải số phận đang đợi Ngài ở Giêrusalem và nói: Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mà theo.
Hành trình Chúa đi sẽ đem ngài đến thành thánh. Các môn đệ cũng phải lên đó. Đau khổ và cái chết của Ngài sẽ bẻ gãy xiềng xích của tội lỗi và sự dữ, mang lại cho nhân loại ơn thánh và sự sống. Điều mà thế gian không hề mong đợi ngoại trừ những linh hồn khao khát ơn cứu độ. Điều mà tiền bạc, giàu sang của thế giới không thể mua, lao động không thể cung cấp, quyền lực không thể chiếm đoạt. Như vậy phụng vụ hôm nay cho chúng ta cơ hội tốt để tỉnh ngộ, nhận ra những sai lầm khi đặt hy vọng vào các ảo tưởng tai hại: tiền bạc, chức quyền, tài sắc, xác thịt, tiện nghi, vui sướng. Những thứ đó không khi nào ban cho người ta an toàn lâu dài. Chúng ta phải ước ao giống như người thanh niên trong câu chuyện: Tìm kiếm cuộc sống đời đời làm gia nghiệp. Cuộc sống đó không những chỉ là vĩnh hằng mà thôi mà còn làm chúng ta lãnh nhận được một sự giàu có nội tại, sự thoả mãn mênh mông trong tình yêu của Thiên Chúa. Tóm lại là hạnh phúc muôn thuở ở mức độ tuyệt hảo vượt xa mọi khao khát nhân loại.
Vậy thì Chúa Giêsu đang nói chuyện với ai? Đề nghị cuộc sống đó cho hạng người nào? Có phải Bill Gates hay Trumps của Hoa Kỳ? Xin thưa là không. Ngài nói với tất cả chúng ta những kẻ muốn theo làm muôn đệ Ngài. Bối cảnh lúc này là Ngài phán dạy đám đông nghèo khó, sửa chữa lối nhìn của họ về Thiên Chúa, tư tưởng của họ trong tương quan với Thiên Chúa. Thế giới Do Thái bấy giờ coi giàu sang là phúc lành của trời đất thưởng cho người đạo đức. Do đó nghèo khổ là dấu hiệu tội lỗi và bị trừng phạt. Họ ở ngoài cái nhìn và lòng thương yêu của Đức Chúa, Chúa Thượng dân Israel. Như vậy người thanh niên giàu có trong Phúc Âm rõ ràng là dấu chỉ được Thiên Chúa quí mến, của cải của anh ta là ân huệ Ngài ban. Thế mà Chúa Giêsu lại khuyên anh bán hết đi, bố thí cho kẻ nghèo hèn, vất bỏ ơn lành Thiên Chúa rồi theo ngài. Quả là ngược đời, xúc phạm đến não trạng đương thời. Cho nên Phúc Âm kể: các môn đệ sững sờ. Đúng vậy, làm sao hiểu nổi một giáo lý quá mới mẻ, lội ngược dòng với trào lưu tư tưởng phổ thông mà xưa nay dân tộc vẫn suy nghĩ. Bán hết của cải đi nghĩa là dẹp sang một bên phúc lộc Thiên Chúa ban, để rồi chỉ lựa chọn một mình ông Giêsu. chẳng lẽ ông còn vĩ đại hơn phúc lành từ trời? Chẳng ai nuốt nổi tư tưởng. Nhưng Chúa Giêsu không rút lại tuyên bố của mình, hơn nữa còn nhấn mạnh thêm: “Những người có của thì khó vào thiên đàng biết bao, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn…” Cho hay lời Chúa Giêsu là sự thật, các ông phải chấp nhận. Các ông phải bỏ hết các dấu chỉ ơn lành bề ngoài, giàu sang phú quý để theo Ngài, nhận lãnh sự sống đời đời từ tay Ngài ban mà thôi. Người ta sẽ có được tương quan chính xác với Thiên Chúa, chứ không phải là tương quan theo kiểu cũ. Theo Ngài đòi hỏi phải từ bỏ an toàn của một ngôi nhà với những tiện nghi giàu có, những danh vọng mà lên đường “hit the road”. Chấp nhận thay đổi, hành xích, khổ đau, phỉ nhổ, chê cười và ngay cả cái chết. Chỉ khi ấy người ta mới đủ khả năng ngắm nhìn Giêsu mà noi theo con đường  Ngài đi. Quả thật là khó, chúng ta cần nhiều ơn thánh mới đủ can đảm thực hiện. Vì thế Chúa nói tiếp: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.” Chúng ta chẳng lạ gì người thanh niên giàu có sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Vào trường hợp của mình có lẽ chúng ta cũng hành động tương tự.
Cho nên hôm nay mọi người phải chất vấn lương tâm, mình đã tuân theo Lời Chúa thế nào trong cuộc sống? Nghiêm túc hay đùa giỡn. Môi miệng thì có thể là nghiêm túc, nhưng nếp sống thì chưa chắc. Bởi chúng ta còn yêu mến thế gian nhiều quá, tìm kiếm tiện nghi sung sướng, an toàn, êm ấm chứ không dám lên đường với Chúa Giêsu, chấp nhận bất trắc và gian khó. Điều gì khiến chúng ta hành động như thế? Điều gì cản trở chúng ta nghe tiếng Chúa gọi bên trong? Giàu sang nào lôi cuốn tâm hồn chúng ta? Chúng ta bám vào đâu để nói rằng theo Chúa? Điều gì phân tán linh hồn khiến chúng ta không nghiêm chỉnh tìm kiếm Thiên Chúa? Đa phần sống vô trách nhiệm, nói một đàng làm một nẻo, nên khi cám dỗ đến chúng ta không cưỡng nổi được nữa. Vì thiếu ơn Chúa. Chúng ta chẳng còn khả năng gói gọn hành lý mà lên đường ( hit the road). Vậy mỗi ngày xin lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện Chúa ban thêm ánh sáng, để chúng ta nghe rõ lời kêu gọi của Ngài, đi theo làm môn đệ Ngài thật lòng, phục vụ Ngài tích cực trong gia đình, trường học, sở làm việc, các sinh hoạt xã hội. Ngõ hầu Ngài trả lại gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết sử dụng của cải Chúa ban theo đúng Thánh Ý Ngài, để chúng con tránh xa nguy cơ tham lam tích trữ của cải, từ đó nảy sinh ra nhiều tệ nạn khác. Xin cho chúng con biết khao khát tìm đến và nương tựa nơi một mình Chúa là sự sống vĩnh hằng và là cùng đích của đời chúng con.

nguôn tgpsaigon.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét