Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Có một loài hoa


Loài hoa nào cũng đẹp. Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương!
Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người. Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt. Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương. Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng. Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò. Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai. Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi”. Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu! Đó phải chăng là “những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế” (Sứ điệp Loài Hoa, tr. 11).
Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi”: Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng. Mỗi khi chúng ta cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phúc… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ, để cùng với Mẹ, chúng ta suy niệm về nền tảng của Phúc Âm. Lời chào của Sứ Thần: Kính chào Bà đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà (Lc 1, 28) là để tôn vinh người là Mẹ Thiên Chúa. “Lời chào đó rất đẹp, lời chào mang sự hoan hỷ của thiên quốc và cũng mang niềm vui đến cho nhân loại. Niềm hân hoan ấy minh chứng rằng, công trình tạo dựng của Thiên Chúa là một thành tựu, luôn hướng về phía trước, cho dù tội lỗi có ngút ngàn, cho dù tội lỗi có làm mờ tối, nhưng lòng nhân hậu và thương xót của Chúa thì không bao giờ thất bại.” (Thủ bản kinh Mân Côi; x. Thần học về Đức Maria, Tanila Hoàng Đắc Ánh). Nhờ đó nhân loại vẫn ngẩng cao đầu tiến về phía trước, nơi ngọn nguồn ánh sáng của tình yêu dẫn đưa. Nhờ đó mà nhân loại vẫn chan chứa niềm hy vọng nơi Mẹ bằng lời kinh: Kính mừng… Thánh Maria…

Vâng, từ thiên cung cao thẳm, hẳn nhiên Mẹ cũng mừng vui khi nghe thấy con cái dùng lời chào mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho Mẹ. Và qua lời chúc khen: Mẹ đầy Ơn Phúc của Sứ Thần, thì Chúa Thánh Thần đổ tràn muôn hồng ân xuống trên Mẹ, nên Mẹ cũng kéo muôn vàn ơn lành từ trời xuống cho những ai kêu cầu Mẹ qua kinh nguyện “Hoa Mân Côi”.
Trải qua dòng lịch sử, bằng lời kinh Mân Côi mà Mẹ đã làm bao việc lạ lùng cho Giáo Hội, thử hỏi có ai kêu cầu Mẹ mà Mẹ không thương giúp? Ai chạy đến với Mẹ mà Mẹ không ban ơn?
Rất nhiều phép lạ, rất nhiều sự kiện, nhưng có một sự kiện mà có lẽ ai cũng biết, Đức Giáo Hoàng Piô V, Tu sĩ dòng Giảng Thuyết đã thành lập lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7/10/1573 để tạ ơn Mẹ sau cuộc chiến thắng quân Hồi Giáo ở vịnh Lê-pan-tô năm 1571, không phải nhờ dũng lực, vũ khí hay tướng lãnh mà chiến thắng, nhưng là nhờ vào việc lần chuỗi Hoa Mân Côi dâng kính Mẹ (x. Vầng Trăng Tuyệt Vời, Phan Tấn Thành, O.P).
Người Công giáo nói chung và cách riêng người Công giáo Việt Nam chúng ta có truyền thống tôn kính Đức Mẹ một cách đặc biệt. Đối với chúng ta, kinh Mân Côi không còn là lời kinh xa lạ, trái lại, kinh Mân Côi đã trở nên gần gũi, yêu thương, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Chúng ta cứ nhớ lại xem, từ khi còn là đứa trẻ ê a bập bẹ, chúng ta đã được ông bà, cha mẹ hay anh chị dạy cho biết kinh Mân Côi. Và khi lớn lên, chúng ta dễ thấm đượm lòng yêu mến Đức Mẹ bằng cách năng lần chuỗi “Hoa Mân Côi”. Sớm tối chúng ta cùng nhau vang lời kinh kính mừng Mẹ. Trong mọi nỗi gian truân khốn khổ, chúng ta chạy đến kêu cầu Mẹ và đặt trọn niềm tin, niềm hy vọng vào Mẹ, tin rằng Mẹ sẽ thương cứu vớt. Đó là tấm lòng thờ kính và tin yêu của chúng ta.
Nhưng đàng khác, con người chúng ta cũng rất dễ bị môi trường và hoàn cảnh xung quanh tác động. Thời đại chúng ta hiện nay được mệnh danh là thời đại thông tin, thời đại khoa học kỹ thuật, thời đại tri thức, thời đại @, thế giới của Wifi, của di động… Cái gì chúng ta cũng lý luận, cái gì chúng ta cũng máy móc, cái gì chúng ta cũng hiện đại hoá… Cho nên, cứ theo đà tiến đó, xu hướng đó, hình như rất nhiều người trẻ tỏ ra thờ ơ nếu như không muốn nói là xa lạ với kinh Mân Côi. Đơn giản là họ cho rằng, lời kinh đó thật nhàm chán, đơn điệu, khô khan. Họ coi Kinh Kính Mừng… Thánh Maria… là kinh của các cụ già, của người xưa, của các bậc “tu sĩ, thánh nhân” thời cổ.
Khi không thì chẳng sao, nhưng hễ nói đến đọc kinh là thở dài, ngáp ngắn… Đọc kinh đó thì họ cho là mất thời giờ, lẩm cẩm, cổ hủ, lạc hậu… Rồi họ tự thay vào đó là những cuộc đi chơi, dạo phố, nghe nhạc, vãn cảnh, truyền hình, báo chí, thời sự, picnic, cà phê, Karaoke, những cuộc thi hoa hậu, thời trang, bình chọn “top ten” ca khúc, người đẹp, rồi “ôi yến tiệc” đến linh đình đủ thứ…
Nhưng họ lại quên một điều rằng, bao lời kinh, bao tràng “Hoa Mân Côi” của biết bao người, để rồi, ơn lành mà họ lãnh nhận đó là do Mẹ kéo từ trời xuống mà ban phát cho. Thời đại tri thức mà chúng ta đang tận hưởng là do bàn tay yêu thương của Mẹ đỡ nâng, phù giúp mà bao tâm hồn đã nguyện giúp cầu thay. Xã hội an bình mà chúng ta đang sống không phải là do tình Mẫu Tử mà Mẹ dã dành cho con cái Mẹ hay sao? Có người mẹ nào mà không thương con! Có người mẹ nào mà khi con mình chạy đến cầu cứu mà không thương giúp! Con bỏ ăn, mẹ cũng chẳng nuốt xuôi; con mất ngủ, mẹ cũng đâu ngon giấc; con buồn, có đời nào mẹ vui… Mẹ của con cái loài người đã thế, huống chi, Mẹ của chúng ta, Mẹ của Hoàng Cung Thiên Quốc, Mẹ của Suối Nguồn Yêu Thương thì hẳn nhiên Mẹ cũng sẵn lòng mở rộng đôi tay Từ Mẫu Yêu Thương đón tiếp chúng ta không chỉ bây giờ mà còn nâng đỡ, cứu vớt chúng ta trong giờ phút nguy nan, lâm tử…
Với tấm lòng tin yêu và thờ kính đó, ước chi trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: êm đềm, bình an, vui sướng hay biển đời giông tố, hoài nghi, thất vọng chúng ta biết chạy đến cùng Mẹ, biết dùng lời kinh “Hoa Mân Côi” để thầm thĩ nguyện xin, cảm tạ; biết dùng tràng hoa Mân Côi mà suy niệm về Mầu nhiệm của Con Thiên Chúa làm người, nhất là trong tháng Mười, tháng “Hoa Mân Côi”. Đó là ý nghĩa của loài hoa: loài hoa Yêu Thương, loài hoa Cứu Độ, loài hoa Thánh Thiện, loài hoa Bất Diệt: “Hoa Mân Côi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét