Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

ĐỜI TU NHƯ BẢN NHẠC TÌNH RU


Sinh ra trên đời ai cũng mang một “kiếp người”: sướng khổ, vui, buồn, mạnh khỏe, yếu đau, trẻ, già và chết. Đời người ví như bản nhạc tình ru. Trong bản nhạc ấy có Pha thăng, có Si giáng, có khi Đô trưởng, Pha trưởng nhưng có khi lại về La thứ, Rê thứ; có khi lên quãng năm, quãng tám, có khi lại về quãng ba, quãng nhất; có khi lặng kép, lặng đơn, lặng đen; có khi bản nhạc hát một bè, có khi hát nhiều bè; có khi chậm rãi buồn bã có khi dồn dập vui nhộn; rồi đến khi gặp dấu hồi phải quay về từ đầu bài hát. Đó là một bản nhạc cho một bài hát. Người nhạc sĩ soạn ra bản nhạc với biết bao công phu và thời gian. Nhạc là cái cảm của đời mà người viết nhạc muốn trình bày lên dòng nhạc những cảm xúc với đất- trời, với thiên nhiên và với thân phận con người. Với bài viết này, xin được mạo muội để ví một đời mình, đời người, đời tu như bản nhạc tình ru. Dù sống hay chết thì bản nhạc ấy vẫn còn vang vọng trong dòng đời, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lý khi viết: “Người chết nối linh thiêng vào đời”.
Với gam Đô trưởng, Son trưởng, Fa trưởng, ... mang dáng dấp của niềm vui, của sự hạnh phúc; còn những gam thứ như: Rê thứ, La thứ, Si thứ, ... mang dáng dấp của sự u buồn, của sự não nề, chán nãn. Nốt nhạc lên cao và mạnh mẽ nghĩa là lên quãng năm quãng tám là những niềm vui lớn hay đạt được một điều gì trong cuộc sống. Nhưng có khi lại về quãng ba, quãng nhất, khi ấy cuộc đời mình cảm thấy không tiến lên được mà chỉ dừng lại và sống bình thường “gặp chăng hay chớ”hay “như vậy đủ rồi”.
Với nốt lặng kép, lặng đơn, lặng đen là khoảng trống của thời gian để nghỉ ngắt hơi. Nốt lặng cũng là nốt trầm lại, sâu lắng lại một chút để cảm nhận ra cái hay của bản nhạc. Nốt lặng không có lời nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa, không mạnh mẽ nhưng lại lay động lòng người... Nốt lặng trong cuộc đời là những lúc con người cảm thấy trống vắng trong tâm hồn. những lúc ấy con người cần phải lắng đọng giây lát để lấy lại thư thái bình an. Như Thomas Jefferson đã từng nói: “Hãy dừng lại một chốc để nhìn cho rõ”.
Với bản nhạc có đôi khi một bè, có khi nhiều bè là những lúc con người cần sự hiện diện của người khác, cần sự đồng hành của người khác. Vì sống trên đời này cần phải sống cùng, sống với và sống cho người khác, nếu không cuộc đời sẽ buồn tẻ và cô đơn. Bản nhạc thường là có lời nhưng cũng có khi không có lời. Đó là lúc con người cần phải nói đúng lúc, đúng chỗ, cần phải hành động... nhưng có khi cần phải im lặng. Quả thế, ông A.Arnoux đã phải thốt lên: “Hồ nước chỉ phản chiếu bầu trời khi nó thinh lặng”. Cần im lặng để nghe người khác nói về mình, đánh giá về mình là người như thế nào. Bản nhạc ấy có khi lại xuất hiện dấu hồi thì rõ ràng bài hát phải quay lại. những lúc ấy con người gặp những điều chẳng nên hay đi sai đường lạc lối. Lúc này cần phải làm lại từ đầu, bắt lại một nhịp đời khác. Bản nhạc có lúc đi lên, đi xuống; lúc nghỉ ngắn, lúc ngân dài. Cuộc đời con người cũng ví được như bản nhạc ấy.
Sống trong đời tu cũng phần nào ví được như bản nhạc ấy; bởi vì đời tu cũng phải trải qua nhiều chặng đường trong đó có những niềm vui, nổi buồn xen lẫn vào nhau. Nếu chúng ta suy nghi một chút thì những chặng đường người tu sĩ đã đi qua là những chuỗi Hồng ân. Dù đường tu ấy đi trong ánh sáng hay trong tăm tối thì cũng là những chuỗi Hồng ân kết thành bản nhạc tình ca dâng lên Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Đời sống tu sĩ bắt đầu bằng sự từ bỏ chính mình để sống ba lời khuyên Phúc Âm, làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng nhân thế. Có những lúc chúng ta sống hiên ngang, vui vẻ, hạnh phúc là khi chúng ta đang tấu lên bản nhạc đời mình bằng những gam Đô trưởng, Fa trưởng,... nhưng rồi lúc chúng ta gặp những khó khăn, thử thách, lo buồn và chán chường là khi ấy chúng ta đang gảy những gam La thứ, Rê thứ,... một cung bậc não nề thất vọng, mong manh của một kiếp người.
Theo thời gian, người đi tu sẽ có những ngày trọng đại, hạnh phúc và đáng ghi nhận cho cuộc đời. Ngày ấy được đánh dấu là ngày “Hồng ân” cho riêng mình. Chẳng hạn như vào Thỉnh Viện, Nhà Tập, Khấn Dòng, lãnh thừa tác vụ Phó tế- Linh mục. Những lúc ấy người tu sĩ cảm nhận được sự hạnh phúc trào tràn và có thể nói không có gì để diễn tả hết niềm hạnh phúc của mình; khi ấy người tu sĩ đang chơi nốt nhạc lên quãng năm, quãng tám. Niềm vui ấy cũng dần dần phai mờ theo năm tháng, nếu chúng ta không ý thức được hồng ân cao quý đó mà Thiên Chúa trao tặng. Như thế bản nhạc lại quay về quãng ba, quảng nhất như báo hiệu rằng có niềm vui ắt sẽ có nỗi cô đơn.
Đời tu dẫu có vui sướng thế nào thì rồi cũng có những ngày tháng sống bình dị, thậm chí gặp bao khó khăn, trắc trở, cám dỗ... mà cứ phải âm thầm, lặng lẽ làm việc, chịu đựng. những lúc ấy bản nhạc tình của tu sĩ đang quay về với hợp âm chủ, đó chính là Đức Kitô, Người nhạc sĩ đại tài cho bản nhạc đời tu.
Khi về với quãng nhất, người tu sĩ cảm thấy mệt mõi, chán phè, hoặc sống thất vọng; những lúc ấy người tu sĩ đang sử dụng những nốt lặng đen, lặng đơn và lặng kép. Sử dụng như vậy, nghĩa là chúng ta đang quay về với chiều sâu nội tâm của mình để phản chiếu bản nhạc mình đang chơi có hay không và chơi có đùng với “Hợp Âm Chủ” không?
Bản nhạc một bè là những lúc người tu sĩ có sức khỏe, nghị lực, kinh nghiệm để sống giữa đời, “một mình, một ngựa, một giây cương”. Nhưng người tu sĩ cũng cần sống với anh em, đồng hành với anh em, những lúc ấy người tu sĩ đang chơi bản nhạc hai hay nhiều bè. Những lúc có lời là những lúc chúng ta hành động, làm việc bác ái, thương yêu mọi người, đến với họ với cả con tim và khối óc. Nhưng đời tu sĩ cũng có lúc chơi bản nhạc không lời để xem lời nói của mình, việc làm của mình có phải là con đường Chúa đã từng đi chăng? Chúa đang mời gọi mình không?.
Bản nhạc gặp dấu hồi là lúc đời tu sĩ quay lại từ đầu. Đây là lúc để hồi tâm tĩnh lặng và làm mới lại cuộc hành trình để tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên đi lại từ đầu bài hát trong đời tu nó cũng thực sự tốt và đầy ý nghĩa nữa. Bởi vì nó phác hoạ lên danh tính của đời tu, làm rõ ra khuôn mặt của mình cho những ai chưa hiểu hết! Sống ở đời, mỗi người ai cũng có những kinh nghiệm “xương máu” về sự hiểu lầm hoặc người khác nghi kị. Ai cũng có những giây phút bị người khác hiểu lầm: Bề trên hiểu lầm bề dưới; người dưới hiểu lầm người trên, cá nhân hiểu lầm tập thể, tập thể hiểu lầm cá nhân, anh (chị) này hiểu lầm anh (chị) kia... Người bị hiểu lầm bao giờ cũng cảm thấy thất vọng, đau khổ... Giờ này mình không biết làm thế nào để người ta hiểu mình được? Nếu chúng ta đi sâu và phân tích cho kỹ thì cụm từ “hiểu lầm”, nghĩa là người khác chưa hiểu hết ý mình, người này nói một ý mà người kia hiểu ý khác... Rõ ràng giữa A và B chưa có sự ăn ý với nhau, chưa đúng tần số của nhau. Vậy làm sao có sự đồng cảm, chia sẻ cho nhau nghe được! Chẳng thế mà Thầy Giêsu đã bị người đời hiểu lầm, để rồi phải đi đến đồi Golgota, chịu lấy cái chết trên thập tự một cách thê thảm! Nào có ai hiểu được lời nói và việc làm của Ngài đâu? May thay cũng chính nhờ cái chết và sự Phục sinh của Ngài để minh định lời nói và việc làm của Ngài vì Ngài là sự thật và là sự sống. Con đường của Ngài là đường chính nẻo ngay, là con đường cứu chuộc nhân loại. Người tu sĩ cũng vậy, khi phải sống lại từ đầu thì cũng chẳng cần dẫn giải, thanh minh. Sống lại (thức tĩnh nội tâm) là câu trả lời tốt nhất. Vì thời gian ủng hộ, sự thật sẽ được minh chứng. Hơn nữa thời gian của đời sống thật là một ông quan toà lớn nhất và nó công bằng nhất.
Nốt nhạc được vang lên bằng những nốt đầu tiên thì cũng kết thúc bằng những nốt nhạc của gam đó. Đời tu sĩ có khi ra đi, tìm đất, cuốc đất, gieo giống, vun xới, gặt hái thì ngày trở về thu được những bó lúa chắc nịch. Đời tu sĩ ra đi, xuống thuyền, ra khơi thả lưới, bắt cá thì ngày trở về sẽ được nhiều cá tốt. Trở về với chính mình của đời tu cũng đồng nghĩa với những ngày cuối của cuộc đời, những ngày nằm trong phòng dưỡng lão.. Bắt đầu và kết thúc là chuyện bình thường, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng bắt đầu và kết thúc của một cuộc đời phải như thế nào mới là điều đáng nói và đáng quan tâm? Nếu bài hát bắt đầu hay và phần kết dỡ thì làm sao gọi là bài hát hay được. Khi viết lên ý tưởng này tôi nhớ lại câu nói của Bailey: “Khi bạn sinh ra bạn khóc còn người xung quanh cười. Hãy sống làm sao khi bạn qua đời mọi người khóc còn bạn, bạn cười"
Là người tu sĩ, tôi cần phải chú tâm đến từ “cái bắt đầu” và “cái kết thúc” cuộc đời. Nhất là tôi cần nhớ lời Thầy Giêsu dạy để thức tỉnh cho chính mình mỗi ngày: “Không biết ngày nào, giờ nào kẻ trộm đến...” . Mỗi giây phút là khi kết thúc một ngày, tôi cần tự kiếm cho riêng mình nốt nhạc của ngày hôm nay tôi chơi có hay không? Có làm cho mọi người nghe được êm tai không? Nốt nhạc tôi chơi có phải là nguồn động lực xuất phát từ Đức Kitô? Hay là từ một nguồn khác, tôi chơi để nổi danh hay là chơi vì lòng yêu mến!! Thế rồi dù tôi sống trong đời tu hay sống đời thường thì tôi cũng đang chơi “bản nhạc tình” ấy. Bản nhạc hay là bản nhạc mà người nhạc sĩ cần phải sử dụng và tấu lên  các “nốt nhạc” với các gam trưởng, thứ cũng như các tiết tấu khác để hoà thành bản nhạc du dương cho mình.
Thiết nghĩ trong đời tu nên có những giây phút trăn trở, đau khổ thì mới cảm nhận và biết được giá trị của hạnh phúc. Có thinh lặng mới cảm nhận được âm thanh của “nhạc đời”. Vì trong thinh lặng và cô đơn, người ta chỉ còn nghĩ cái cốt yếu. Có giông tố trong đời tu thì mới hiểu được ý nghĩa và giá trị của những ngày sống bình an, hoan lạc. Có những ngày sống làm việc, lăn xã với đời thì mới cảm nhận được giá trị của những ngày sa mạc. Hay nói cách khác, phải có “cái thăng”, “cái giáng”; “cái trưởng”, “cái thứ”; “cái lặng đơn, lặng đen” thì đời tu mới thực sự có ý nghĩa và đi vào chiều sâu nội tâm hơn. Tuy nhiên, “bản nhạc” của tôi chơi nốt nào, gam nào, quãng nào, nghỉ chỗ nào, hay quay về chỗ nào thì chính là đại Nhạc sĩ Đức Kito hướng dẫn và đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường đời.
Trên đây chỉ là mạo muội một vài suy tư đơn hèn về đời người, đời mình và đời tu như một bản nhạc tình ru trong cuộc sống; ước mong sao dù mình chỉ là cỏ dại ven đường thì cũng vang lên, vang mãi trong cuộc sống những nốt nhạc hết sức hấp dẫn và mang đầy ý nghĩa cho đời; nguyện xin Đức Kitô là Đại Nhạc trưởng tài ba luôn hướng dẫn và cùng đồng hành với chúng con trong cuộc sống thường ngày để nhờ đó chũng con cũng cất lên được những bản nhạc tình ca để ca ngợi và tôn vinh Chúa.
     
Iosephus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét