Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

CẢM NHẬN VỀ CUỘC SỐNG XA NHÀ CỦA SINH VIÊN

        Những ngày hè vui nhộn cùng gia đình và bạn bề đang từ từ qua đi. Đâu đó bạn bè đang chuẩn bị bước vào năm học mới với không ít những háo hức và lo toan xen lẫn. Nhận được những cú điện thoại, những cánh thư, những Email của bạn bè, tôi vừa cảm thấy vui vui nhưng cùng lúc cảm thấy chạnh lòng cho bao vất vả đang và sẽ đến với bạn bè trong những ngày học xa nhà sắp tới.

Là sinh viên, ai chẳng vui, khi đón năm học mới về, ai chẳng háo hức được trở lại với trường lớp, gặp lại thầy cô, bạn bè và người yêu!
Với những bạn năm đầu, lòng háo hức đó dường như được nhân lên gấp bội vì mong muốn biết những ngày đầu của mình ở giảng đường Đại học sẽ thế nào hay ai là những người bạn mới mình sẽ gặp. Vui nhiều và mong đợi cũng không ít vì những ngày tháng tới ở giảng đường sẽ là dịp giúp mình mở mang kiến thức, tìm đến với những hiếu biết, khám phá những chân trời mới …
Rồi, đối với những bạn trẻ từ tỉnh lẻ, ai chẳng trông mong một ngày nào đó mình sẽ có dịp được đến các thành phố lớn để học, để tìm cơ hội tiến thân.
Với những sinh viên trong nước, ai chẳng một lần mơ đến một ngày mình sẽ được đến với những chân trời xa lạ để có thể gặp gỡ, học tập cùng với bạn bè đến từ năm châu.
Nhưng cùng với những niếm vui, khát khao ấy, họ đón chờ năm học mới với không ít những băn khoăn, lo lắng đang chờ sẵn. Ngoài thiếu vắng sự nâng đỡ của gia đình, đối với những sinh viên tỉnh lẻ hay những du sinh, họ còn phải đương đầu với những khó khăn khác trong môi trường mới; họ phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Nào là phải tìm nơi ở, rồi lo tiền học phí, tiền thuê nhà … và bao nhiêu khoản lo khác. Dù gia đình họ có điều kiện về kinh tế đi nữa thì cũng rất khó lo cho họ mọi chuyện vì mức sống nơi gia đình họ ở và nơi họ học luôn cách nhau rất xa.
Đối với những Sinh viên không được “sung túc” về tài chánh, vì biết gia đình không thể lo đủ cho mình và để tự giúp mình trang trải các chi phí, thì ngay từ những ngày đầu của năm học, họ đã phải nghĩ tới chuyện tìm việc làm thêm ngoài giờ học. Nào đi dạy thêm tại tư gia, (thường được gọi là gia sư), làm tiếp thị (quảng cáo) các loại sản phẩm, làm bồi bàn tại các nhà hàng hay phụ việc tại các quán cơm, coffee hoặc đi bán báo, bán hàng tại các cữa tiệm … và nhiều lọai nghề khác không tên. Với những sinh viên này, vì phải bươn chải lo cho cuộc sống sinh viên của mình dường như họ không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi nữa.
Có những bạn Tết đến mà không dám về quê vì nếu về không những phải mất một khoản tiền lớn cho chuyện tàu xe, mà họ còn không thể làm thêm trong những ngày Tết để có tiền trang trải trong năm. Vì những tính toán ấy, họ đành nén lòng ‘đón’ Tết đến, ‘đón’ Năm mới về một cách hững hờ, buồn bã nơi xứ người. Có nhiều bạn khác, suốt đời sinh viên của mình, họ không biết thế nào là ‘hè’ … vì những ngày hè với họ là dịp duy nhất họ có thể tìm việc làm để kiếm tiền để chi trả học phí, tiền ăn, tiền nhà và những chi phí khác trong năm. Nhưng tìm được việc làm thêm và đặc biệt là những công việc thích hợp cho việc học của mình cũng không phải luôn dễ dàng và thuận lợi. Do đó, họ có thể làm bất cứ nghề gi dù phải vất vả đến đâu miễn là có tiền để lo chuyện ăn học …
Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ tới một bài hát về sinh viên mà hồi tôi còn là sinh viên ĐHNN thường được nghe và chính tôi cũng rất tâm đắc vì lời văn của nó rất gần gũi, rất mộc mạc, rất là “sinh viên” và cũng rất sâu đậm. Nó còn nhắc tôi nhớ lại những năm tháng rất nhiều kỷ niệm nhưng cũng rất vất vả của đời sinh viên của mình cũng như giúp tôi biết nghĩ nhiều đến bao bạn bè đâu đó đang phải bươn chải lo toan cho việc ăn học của mình. Đó là bài hát “Bạn Tôi”của Võ Thiện Thanh.
Xin được mượn lời của bài hát này để gửi tới các Bạn sinh viên khi đang chuẩn bị đón năm học mới.“Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi sáng đạp xe 20 cấy số. Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm. Tối về kể chuyện nhau nghe, chuyện buồn vui ngày tháng xa nhà. Tối về giọng Bắc – Trung – Nam, chia cùng điếu thuốc sớm chuyện vui buồn. Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên, miền Trung lũ lụt suốt đêm không ngủ. Chúng tôi vào Đại học niềm vui chưa dứt, bao nỗi âu lo dáng Mẹ gầy hơn trước, tóc Ba thêm sợi bạc. Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót. Con chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau”.
Vâng, cũng như các Bạn sinh viên khác, tôi đã từng nếm trải những vất vả, những lo toan ấy của thời sinh viên. Tôi đã có những đêm thao thức không ngủ vì nhớ nhà, nhớ Ba Mẹ đang ngày đêm lam lũ vất vã đế chắt chiu từng đồng cho tôi và các em ăn học, nhớ về quê nhà đang bị bão lụt hoành hành. Đã có những đêm, trên chiếc xe đạp cũ trong cơn mưa, bụng đói lã, tôi cố đạp đến những nhà tư làm gia sư. Rồi cũng có những năm, khi mọi người đang hớn hở trở về với mái ấm gia đình, quây quần bên nhau trong những ngày Tết, tôi đành nén lòng “đón” Tết không người thân … Nhưng khi nhìn lại những năm tháng của đời sinh viên xa nhà ấy, tôi cảm thấy hình như những lo toan, vất vả ấy đã giúp mình trưởng thành, chín chắn hơn. Chắc chẳng bao giờ tôi cảm nghiệm được hay biết trân trọng việc học, hoặc những giờ phút rảnh rỗi nếu như mình đã không trải qua những khó nhọc, lo toan ấy. Hình như những vất vả và bao lo toan của đời sinh viên ấy cũng thôi thúc, khuyến khích tôi nhiều trong học tập. Nếu không có những ngày tháng vất vả đạp xe đâu đó vào những trưa hè nóng bức hay những đêm mưa ướt lạnh ở thành phố ấy, chắc chẳng bao giờ tôi có thể đi đến những miền đất lạ như ngày hôm nay.
Viết gửi các Bạn sinh viên một vài chia sẻ khi các bạn chuẩn bị đón năm học mới về. Chúc các Bạn sinh viên nhất là những bạn sống xa nhà thật nhiều niềm vui, nhiều thành công trong năm học mới này. Ước chi những ngày tháng trên giảng đường Đại học của các Bạn sinh viên là những tháng ngày đẹp nhất, nhiều kỷ niệm khó quên nhất; nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Mân Côi chúc lành và đồng hành cùng các Bạn trên mọi nẻo đường.

 Iosephus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét