Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

TÀI LIỆU VỀ ĐỨC MARIA


CÁC NGÀY LỄ KÍNH ĐỨC MARIA






 
Ngày 01- 01

Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa.

Ngày 02- 02

Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh

Ngày 25- 03

Lễ Truyền Tin 
Ngày 31- 05

Đức Mẹ Đi Viếng Bà Thánh Isave 
(Sau lễ Thánh Tâm Chúa)

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Ngày 15- 08

Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời

Ngày 22- 08

Đức Maria Nữ Vương

Ngày 08- 09

Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 
Ngày 15- 09

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Ngày 07- 10

Đức Mẹ Mân Côi

 Ngày 22- 11

Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ
Ngày 08- 12

Đức Mẹ Vô Nghiễm Nguyên Tội. 

..............................................................................................................
CÁC TÍN ĐIỀU VỀ ĐỨC MARIA
Theo truyền thống Giáo hội Công giáo có tất cả bốn tín điều chính về Đức Mẹ:
Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa
Đức Mẹ trọn đời đồng trinh
Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội
Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)

Từ “Mẹ Thiên Chúa” không tìm thấy trong Tân ước, nhưng Đức Maria thường được gọi là “Mẹ Đức Giêsu”, và Giáo hội nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thế làm người vì vậy khi giáo hội cố định tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” là đưa ta vào mầu nhiệm của Đức Giêsu. Ngay cả trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Ga-lát 4,4 viết vào khoảng năm 56 : “Nhưng khi thời gian tới hồn viên mãn, Thiên Cúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Thoạt tiên khi đọc đoạn này, chúng ta thường nghĩ tới chức phận của Đức Maria nhưng thánh Phaolô chỉ muốn xác định công cuộc Chúa Kitô cứu chuộc nhiều hơn. Tóm lại, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa muốn xác định chân lý về Thiên Chúa nhập thể.

Khi công đồng Êphêsô năm 431 nhìn nhận Đức Mẹ qua công thức “đức Maria là kẻ sinh ra Thiên Chúa” (Theotokos, Deipara, Dei Genitrix), các giáo phụ muốn nhắm định nghĩa mầu nhiệm nhập thể. Công đồng xác định chân lý Kitô học để chống lại bè rối Nestôriô không nhìn nhận sự nhất tính giữa hai bản tính con người và thần thiêng nơi Đức Giêsu. Thế nhưng dù công thức nhắm trực tiếp Đức Giêsu nhưng cũng gián tiếp liên quan đến mầu nhiệm của Đức Maria. Thật ra, không phải đợi đến công đồng Êphêsô năm 431 chúng ta mới thấy xuất hiện từ ngữ Theotokos, vì tước hiệu này đã thấy xuất hiện bên Ai cập từ thế kỷ thứ III qua bản kinh “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời...” (Sub tuum praesidium, sancta Dei Genitrix). Chỉ thảo bản kinh này hiện còn đang tàng trử tại John Rylands Library. Từ này, được phổ biến mau lẹ sang Đông phương và Tây phương trong các tác phẩm thần học của các giáo phụ như Alexandre và Athanase. Năm 451, công đồng Chalcedoine cũng khẳng định tín điều Mẹ Thiên Chúa thuộc về đức tin : “Đức Giêsu được sinh ra từ trước đời đời do Thiên Chúa Cha xét theo thiên tính. Và đến thời viên mãn, thì xét theo nhân tính, và vì phần rỗi của chúng ta, cũng chính Chúa Giêsu Kitô đó đã sinh ra bởi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium) khẳng định như sau : “Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu thế”. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1992,: “Tin Mừng gọi Mẹ là “Mẹ Đức Giêsu” (Ga 2,1;19,25). Do tác động của Chúa Thánh Linh Mẹ Maria được xưng tụng là “Mẹ Chúa tôi” (Lc 1,43) ngay trước khi sinh Con. Đúng thế, Mẹ đã cưu mang người của Thánh Linh; Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, không ai khác hơn là người Con vĩnh hằng của Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội đã tuyên xưng mẹ Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa.

Đức Mẹ trọn đời đồng trinh.

          Như đã nói ở phần trên, việc “Đức Mẹ đồng trinh” đã được nhắc đến rất sớm như chúng ta đọc thấy trong Tín biểu các Tông đồ trước thế kỷ thứ III, và trong tín biểu của công đồng Nicée-Constantinople năm 381; nhưng từ “Đức Mẹ trọn đời đồng trinh” (aeiparthenos : semper virgo) chỉ được nói tới lần đầu tiên trong tín biểu về bí tích Thánh Tẩy của Đức giám mục Epiphane thành Salamis khoảng năm 374. Công đồng Constantinople II năm 533, và Latran năm 649 xác nhận; và cho đến thế kỷ thứ XVI, Đức Phaolô IV trong tông hiến Cum Quorumdam hominum ghi rõ ràng Đức Maria “đồng trinh trước khi sinh, đang khi sinh và sau khi sinh”. Chúng ta thấy tín điều “Đức Mẹ trọn đời đồng trinh” bắt nguồn gốc sâu xa trong Giáo hội cho dù Tân ước không nói rõ ràng hơn; và điều khẳng định đó được chấp nhận suốt dòng lịch sử. Vào những năm sau công đồng Vaticanô II, tín điều này bị chỉ trích lẻ tẻ và đến ngay từ một nhóm thiểu số trong tổng thể truyền thống Kitô giáo.


Tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đức Thánh Cha Piô IX, bằng trọng sắc Ineffabilis Deus, đã long trọng tuyên bố tín điều này vào ngày 8/12/1854, (sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, chính Đức Mẹ đã công nhận tín điều này khi hiện ra với chị thánh Bernadette tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội").
Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội” (TCF:204).

Tín Điều Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác
Qua tông hiến Munificentissimus Deus, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều này vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, 1-11-1950.Phải chăng, như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Piô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Hồn Xác Lên Trời về Mẹ do Đức Thánh Cha Piô XII công bố như vậy, khi cho ngài thấy bốn lần, vào những ngày 30 và 31 tháng 10 và ngày 1 và 8 tháng 11 năm 1950 (TWTAF3:284-287), hiện tượng mặt trời nhẩy múa như ở Fatima ngày 13-10-1917 trước kia?
          Đức Thánh Cha Piô XII đã ban bố tín điều này như sau:
“Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc” (TCF:207).

....................................................................................................................................

HOA MÂN CÔI
Mỗi khi tháng mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những điệu vãn lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Lời kinh Mân Côi muốn diễn tả với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.
“Vườn Rôsa bao quanh lái (trái) đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền” (Ngắm Rôsa)
Vườn Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa được sánh ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng những cây hồng với muốn sắc hoa rực rỡ. Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao. Vẻ đẹp ấy không thể hiện nơi  những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc cầu kỳ, mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau để cử hành phụng vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn để tôn vinh và ca tụng Chúa. Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ cười móm mém của các lão ông lão bà, đến những gương mặt rất thơ ngây của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn vinh Chúa, Đức Mẹ hay các thánh. Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi những người cha người mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần Phúc âm, đang hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp. Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong vườn Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được  rạng rỡ vinh quang.


Lời “Vãn Mân Côi” cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử Giáo Hội: vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Chính từ biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi là “vườn Rôsa” - vườn của những đóa hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của mình. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi trong ngày giao chiến.
Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.
“Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy” (Kinh cầu Đức Bà)
Trong vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt trổi về màu sắc và hương thơm. Đóa hoa ấy mang tên là Maria. Đức Maria vừa là Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội. Mẹ là mẫu mực cho đời sống đức tin của các tín hữu. Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình trong tương lai. Mẹ diễn tả một hình ảnh  không tỳ ố, không vết nhơ của Giáo Hội. Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ như Mẹ.
Là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội. Bằng sự quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Cũng như tại Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò chúng ta: “Người bảo sao, các con hãy cứ làm như vậy” (Ga 2,5).  Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.
Khi tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền năng của Chúa đã tác tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai tòa cho Ngôi Lời nhập thể.  Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta nguyện ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
“Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió,
Làm thành vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh” (Lời một bài hát)
Mỗi chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một loài hoa để tô điểm cho thế giới này tươi đẹp. Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu thuẫn, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách đặc biệt. Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa đều cống hiến hương sắc cho đời. Con người cũng thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân ái hơn.
Kinh Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa. Hai mươi mầu nhiệm diễn tả cuộc đời của Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta. Cuộc đời được dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn. Những ai kiên trung cậy trông vào Chúa trong mọi biến có vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Tràng hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa con người với nhau. Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết với nhau làm thành một chuỗi hoa hồng. Những đóa-hoa-cuộc-đờiđược gắn liền với nhau bằng tình mến Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và thi vị hơn.
Khi ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau. Những nghĩa cử thân thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa lòng mà chúng ta trao tặng cho nhau. Những đóa hoa ấy không tàn phai theo thời gian, nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống an bình. Đó là ý nghĩa của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.
Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã nói: "Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy" (Tông thư Kinh Mân Côi).
Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian. Amen


+Gm Vũ Văn Thiên

............................................................................................

SUY NIỆM VỀ ĐỨC MẸ
(J.B. Trương Đình Hà)

DẪN NHẬP:
       Đức Maria, "một tác phẩm tuyệt vời" mà Thiên Chúa đã viết lên trên trang sử của nhân loại. Hiệp với Mẹ, chúng con dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi tôn vinh vì tình thương của Ngài ban cho nhân loại:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi".
       Trong giờ suy niệm này, chúng ta cùng nghe đọc tin mừng thánh Luca: 1, 26-39 ghi lại biến cố Truyền Tin và suy niệm với ba chủ đề:
-Đức Maria trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa
-Đức Maria người nghèo đích thật của Gia-Vê
-Đức Maria trong tương quan với Chúa Thánh Thần
 Suy niệm 1: Đức Maria Trong Công Trình Sáng Tạo Của Thiên Chúa
         Thiên Chúa yêu thương con người; từ muôn thưở Ngài đã muốn cứu độ con người. Khởi đầu Ngài đã sáng tạo vũ trụ và con người từ hư vô, một sự sáng tạo kì diệu từ không ra có bởi lời của Ngài. Thiên Chúa cứu độ con người lại càng kì diệu hơn. Chính trong ánh sáng của mầu nhiệm sáng tạo và cứu độ con người mà chúng ta thấy xuất hiện vai trò của Đức Maria. Chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Maria trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Để cứu độ con người Thiên Chúa chọn con đường nhập thể mà nhập thể là làm người, làm người phải có một thân xác, muốn có một thân xác phải do một người mẹ sinh ra. Vì thế ngay sự hiện hữu thể lý của Đức Maria cũng nằm trong ý định nhập thể và cứu độ Thiên Chúa. Thiên Chúa dựng nên người để nhập thể trong người. Và Đức Maria được tạo dựng để làm Mẹ Thiên Chúa. Vì thế ngay từ khởi đầu, Đức Maria đã được Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng tuy chưa thật sự viên mãn. Tuy nhiên ân sủng không hủy diệt tự do nơi Mẹ nhưng giúp Mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo: Mẹ đã để Lời Chúa được thực hiện nơi Mẹ “ phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện”(Lc 1,45). Lời Thiên Chúa đó là lời sáng tạo, Lời Thiên Chúa là lời nhập thể. Trước khi sinh hạ Chúa Giêsu trong xác thể Mẹ Maria đã cưu mang Lời Chúa trong tâm linh. Mẹ đã để Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn Mẹ và làm triển mở mỗi ngày một hơn bằng chiêm ngắm trong lòng; để rồi khi đến giờ đã điểm Thiên Chúa bày tỏ ý định cứu độ nhân loại bằng Lời nhập thể trong cung lòng Me; cũng là lúc Mẹ hoàn toàn khước từ mọi ý riêng của Mẹ để tuân theo Thánh ý Chúa:“ Này tôi là tôi tá Chúa tôi xin vâng như lời Thiên sứ truyền” ( Lc 1, 38). Và chính trong giây phút đó, giây phút có một không hai, giây phút đất trời giao duyên. Lời sáng tạo đã trở thành xác phàm trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Và Mẹ Maria đã trở nên như  dụng cụ tuyệt hảo Thiên Chúa dùng để thông ban xác thể cho Ngôi Lời của Thiên Chúa. Và Lời đã biến đổi cuộc đời Mẹ thành bài ca ca tụng Thiên Chúa:
“ Linh hồn tôi tôn dương Chúa và Thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, cứu Chúa của tôi”.( Lc 1,46)
Lạy Mẹ Maria! Suy tôn Mẹ chúng con cũng muốn noi gương Mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Mỗi người trong chúng con là một huyền nhiệm, mỗi một người là kiệt tác trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mỗi người qua Mẹ, cũng được tham dự vào việc cứu độ chính mình. Chính vì thế trên con đường lữ hành tiến về trời cao không cho phép chúng con dừng lại mà phải luôn đấu tranh từ cái không đến cái có; từ cái chưa hoàn thiện vươn lên tới Chúa là Đấng hoàn thiện. 
Do vậy mỗi khi chúng con thôi tìm kiếm Thánh ý Chúa: mỗi ngày chúng con chưa thành tâm sống lời Chúa và để lời Chúa thấm nhập và biến đổi đời sống chúng con ngày đó chúng con thôi triển nở; ngày đó chúng con dừng công trình sáng tạo của Thiên Chúa lại.
Lạy Mẹ Maria! Nhờ lời Mẹ cầu bầu xin cho cuộc đời chúng con cũng trở nên lời ca ngợi đẹp lòng Thiên Chúa .

Suy niệm 2: Đức Maria Người Nghèo Đích Thực Của Gia-Vê
Những hình ảnh trong cựu ước tiên trưng về Đức Maria như: “tôi tớ Thiên Chúa ”, “ người nữ phải sinh con”, “ trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con”, “ thiếu nữ sion”; được bổ túc bởi một tư tưởng làm nổi bật bức chân dung tinh thần của Đức Maria đó là: “ nhóm nghèo của Giavê”.
Vào thời lưu đầy đã nảy sinh trong lòng Israel một nền linh đạo mang tên “ nhóm nghèo của Giavê”. Mà ngôn sứ Sôphônia như là đại biểu của họ. Chính trong bối cảnh dân Israel bị tước đoạt tài sản, nhân quyền lẫn chủ quyền mà vị ngôn sứ đã khuyên nhủ họ: “ hãy tìm kiếm Thiên Chúa, hỡi những người nghèo trên mặt đất ... hãy tìm sự công chính, hãy tìm sự khó nghèo để được an toàn trong ngày giận dữ của Thiên Chúa”. (Sp 2,3). Rồi lời hứa cho số sót:"Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa".(Sp 4,12) "Reo vang lên hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào nhà Irael hỡi, hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy nức lòng phấn khởi"(Sp 2,14)
Qủa thật đây là một sứ điệp mới lạ mà dân Israel được nghe. Thiên Chúa có thể ban ơn cứu độ giữa lúc dân tộc bị thất trận nhục nhã thay vì lúc chiến thắng oai hùng. Dần dà một phong trào đạo đức lớn dần kết thành “ nhóm nghèo của Giavê”. Isaia cũng đã nhiều lần ca tụng Thiên Chúa vì ngài đã an ủi những tâm hồn rã rượi (Is 49,13); Chúa gần gũi những tâm hồn bị đè nén (57,15); Chúa đoái nhìn những ai có tâm hồn khiêm tốn, thống hối( 62,2).
Người nghèo theo nguyên ngữ Hip-ri gợi lên hình ảnh những con người “khom lưng”, những người phải cúi mình. Đó là thái độ cuả người yếu thế, không có khả năng chống cự hay bảo vệ; là những người bị coi khinh, bị hạ thấp, không có khả năng đòi kẻ khác tôn trọng quyền lợi của mình.
Trong tân ước "người nghèo" còn mang chiều kích tâm linh. Mở đầu bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã ưu ái đến  người nghèo: “ Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ”(Mt 5,3). Những người có tinh thần  nghèo khó là những người có thái độ tâm linh vừa khiêm tốn, vừa hiền lành nhẫn nhục. Vì thế những người nghèo của Giavê là những người đầu tiên lãnh nhận ơn cưú rỗi. Chỉ những người nghèo đích thực mới tìm nương tựa nơi chính Thiên Chúa là cùng đích, là hạnh phúc, là sự giầu sang của họ. Càng khiêm tốn bao nhiêu họ càng gần Thiên Chúa bấy nhiêu. Và những người nghèo cũng là người dễ cảm thông và chia sẻ; bởi họ không có gì để cho ngoài tấm lòng của họ và khi đã cho, họ cho hết những gì họ có. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã từng nhìn thấy tấm lòng của một bà góa nghèo dâng cúng “hai xu” để góp phần xây dựng đền thờ.
Nơi Đức Maria chúng ta nhận ra tất cả những chiều kích trên. Thánh Luca mô tả Đức Maria một người nghèo đích thật của Giavê, một nữ tì khiêm hạ của Chúa, một thiếu nữ Israel mang trong mình ước vọng cứu độ của toàn dân. Một người luôn vâng phục những thôi thúc của Thiên Chúa. Sự dâng hiến trọn vẹn của  Mẹ, Lời “xin vâng “ của Mẹ nói lên sự tuỳ thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria! Chúng con muốn bước theo Mẹ trở nên những người nghèo đích thật của Chúa Kitô. Xin đừng để chúng con tìm kiếm, vớt vát lại những gì đã bỏ lại sau lưng, nhưng là tìm kiếm Chúa và nương tựa vào Ngài là niềm hạnh phúc, là hy vọng của chúng con. Để những ai muốn tìm gặp Chúa nơi chúng con họ sẽ không thất vọng.

Suy niệm 3: Đức Maria trong tương quan với Chúa Thánh Thần
Thiên Thần nói với bà: “ Thánh Thần sẽ đến trên người và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng ....” (Lc1,35 a)
    Dẫu tin mừng thời thơ ấu chỉ ghi rất  ít tương quan của Đức Maria với Chúa Thánh Thần, chúng ta vẫn nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của Mẹ. Hoa quả của Thánh Thần chính là tình yêu, là sự khai mở cho Mẹ đón nhận mặc khải của Thiên Chúa và là sự bình an trong tâm hồn Mẹ.
   1/. Trước hết việc thụ thai khiết trinh của Đức Maria là công trình của Thánh Thần nên cũng gọi là công trình của tình yêu. Chính Chúa Cha yêu thương Chúa con từ muôn thưở. Ngài trao ban hết cho Chúa con vinh dự uy quyền, cả bản thể Cha. Vì yêu mà Chúa Cha luôn sinh hạ ra Con. Và trong bình diện lịch sử cứu độ Ngài đã trao ban con Một Ngài cho chúng ta. Với mầu nhiệm nhập thể ,ân huệ đầu tiên của Thánh Thần được trao ban cho Đức Maria. Lẽ ra Thánh Thần chỉ được ban trong ngày Đức KiTô được tôn vinh. Thế nhưng Mẹ đã được hưởng trước hiệu quả của ơn cứu độ. Chính Đức Maria đã được tràn đầy ân sủng, tràn đầy Thánh Thần trong ngày truyền tin. Và Thánh Thần đã Thánh hiến Mẹ trở nên đền thờ tinh tuyền cưu mang Ngôi Lời nhập thể.
2/.“ Thánh Thần sẽ nhắc nhở chúng con mọi điều thầy đã nói với chúng con” (Ga14,26).
Dù bước đi trong đêm tối đức tin,  Thánh Thần sẽ khai mở cho Mẹ hiểu những điều Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm. Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng và dần dần ra ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa về ý định của Ngài và về công trình cứu độ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện qua chính người con mà Mẹ sinh ra. Mẹ tràn đầy Thánh Thần vì Mẹ đã hoàn toàn để cho Thánh Thần hướng dẫn.
    3/ Đức Maria được coi là cung điện của Thánh Thần. Hoặc như là nơi gặp gỡ Thiên Chúa trong tự do. Có người gọi Đức Maria là bạn của Thánh Thần (Sponsa Spiritus Sancti) vì nơi Mẹ chúng ta thấy tràn đầy sự bình an. Chính Mẹ đã hiện diện dưới chân khổ giá. Mẹ rất đau khổ nhưng tâm hồn thật bình an vì đây chính là giờ Đức KiTô được tôn vinh. Giờ mà Mẹ đã được nghe Chúa Giêsu nhắc đến ở tiệc cưới Cana. Mẹ hiện diện để hiệp thông sâu sắc vào hiến lễ của Đấng Cứu Thế. Mẹ đã hiện diện bên các tông đồ chuyên tâm cầu nguyện, hiện diện nơi cộng đoàn tiên khởi của Giáo Hội sơ khai như là dấu chỉ của sự bình an. Chính Thánh Thần là nguồn bình an trong tâm hồn Mẹ. Thánh Thần đã khai mở cho Mẹ bước đi bình an trong ngày truyền tin, thì cũng chính Thánh Thần giúp Mẹ can đảm đón nhận thập giá của Đức KiTô trong khi hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Để đón nhận Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria đã thực sự biết lắng nghe. Lắng nghe lời Chúa và tin vào Đức Giêsu KiTô là Thiên Chúa thật. Để đón nhận Chúa Thánh Thần Mẹ là người đã vâng phục. Để đón nhận Chúa Thánh Thần Mẹ đã giữ mình khiết trinh trọn đời vì thế tâm hồn Mẹ mới xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần. Và để đón nhận Thánh Thần, Mẹ là người nghèo khó đích thực của GiaVê. Chính “người nghèo nhất” trong các người nghèo của GiaVê đã trao ban thần khí phục sinh của Ngài cho nhân loại ,mà Mẹ là người nhận lãnh trước hết bên khổ giá khi Chúa Giêsu gục đầu phó thác Thần Khí.
Lạy Mẹ Maria! Cùng với Mẹ chúng con khẩn cầu Chúa ban tràn đầy Thánh Thần cho thế giới này. Xin Ngài hãy canh tân thế giới và hãy bắt đầu nơi chính chúng con. Xin Thánh Thần biến đổi cách suy nghĩ, hành động, cách nhìn, cách sống của chúng con trở nên tích cực. Bởi lẽ thế giới chỉ đổi mới khi chính mỗi một người trong chúng con thực sự biến đổi.


...........................................................................................................

TÂM TÌNH CON THẢO DÀNH CHO MẸ MARIA
(Mừng lễ Mẹ Mân Côi)
“Kính chào Đức Maria, Bà đầy ân sủng”.
Thưa Mẹ Maria, con xin mượn lời chào của sứ thần Gáp-ri-en năm xưa để dâng lên Mẹ lời chào kính yêu nhất của lòng con – người mẹ đang hằng ở bên Thiên Chúa chuyển cầu muôn ơn lành xuống cho đoàn con yêu là nhân loại.
Khi suy gẫm về cuộc đời của Mẹ, về những ân huệ Mẹ đã ban cho chúng con, trong ngày mừng lễ Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi, con muốn dâng lên Mẹ tâm tình của đứa con tội lỗi, yếu hèn được Chúa đoái thương và tình yêu của Mẹ ưu ái.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.
Cả cuộc đời của Mẹ, từ thơ bé đến khi được nhận ân huệ làm Mẹ Con Thiên chúa, Mẹ luôn sống trong tình trạng tràn đầy ân sủng. Mẹ đã không giữ ân sủng ấy cho riêng mình, Mẹ chia sẻ ân sủng ấy cho người khác. Con cảm nhận được tinh thần ấy nơi Mẹ khi Mẹ đến thăm bà Ê-li-sa-bet, khi Mẹ dâng con yêu của Mẹ trong đền thờ, ngay cả khi Mẹ đã về trời thì Mẹ đã không quên ban ân huệ ấy cho đoàn con cái đang còn ở dương thế. Mẹ đã làm bao phép lạ chữa lành bệnh tật, ban sự bình an cho thế giới. Hằng ngày, nhân loại được hưởng nhờ biết bao ân huệ của Mẹ nhờ việc lần chuỗi Mân côi.
Mẹ Maria mến yêu của con, con cảm mến tri ân Mẹ vì Mẹ đã mặc khải Kinh Mân côi cho nhân loại. Trải qua bao thế hệ, lời kinh Mân côi là lời cầu nguyện tuyệt hảo con người dâng lên Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phaolô VI khẳng định : “…một việc đạo đức đã từng được gọi là ‘Bản tóm lược tất cả cuốn Phúc âm’ đó là chuỗi kinh mân côi của Đức Trinh nữ Maria…Kinh mân côi có khả năng phát huy một lối cầu nguyện có tính chiêm niệm, vừa là lời chúc tụng, vừa là lời cầu xin…” (Tông huấn Marialis Cultus).
Thật vậy, nhìn vào các mầu nhiệm của kinh Mân côi, con dễ dàng thấy Kinh Mân côi trình bày cho nhân loại toàn bộ cuộc đời Chúa Kitô, và đó còn là cách cầu nguyện đơn sơ, con có thể đọc và suy niệm bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, ai cũng có thể làm, dù là bác sỹ, kỹ sư, nhà buôn, linh mục, tu sĩ, sinh viên hay học sinh, dù già hay trẻ, lớn hay bé….Kinh Mân côi có thể dẫn đưa các Kitô hữu đạt tới đỉnh cao nhất của cầu nguyện, nếu họ có lòng yêu mến Mẹ, yêu mến việc lần chuỗi Mân côi.
Lạy Mẹ Maria, dù con có viết bao lời tri ân, ca tụng về tình yêu của Mẹ dành cho nhân loại đi chăng nữa thì cũng chẳng bao giờ đủ. Xin Mẹ hãy tiếp tục ở cùng, chuyển cầu và thông ban muôn ân sủng của Chúa xuống trên nhân loại chúng con. Xin Mẹ ban cho Giáo hội Việt Nam cũng như Giáo hội hoàn vũ có nhiều Kitô hữu biết yêu mến Chúa và Mẹ qua việc yêu mến và đọc kinh Mân côi. Để rồi nhờ ơn Chúa qua lời chyển cầu của Mẹ, chúng con biết sống xứng đáng là con của Chúa, con của Mẹ và anh chị em của nhau.
Maria Nguyễn Thị Miến
Tập sinh HD. MTG Thủ Đức

..................................................................................................................................
THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ MARIA 
"Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ"
Tháng Năm này mời gọi chúng ta nhớ và nói về Mẹ một cách đặc biệt. Vì tháng này là tháng của Mẹ. Mùa Phụng Vụ và tháng Năm này mời gọi chúng ta mở lòng đặc biệt đối với Đức Mẹ.
                                                                              Đức Gioan Phaolô II, 02 -5- 1979

  THÁNG HOA ĐỨC MẸ

1.  Tháng 5 là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ Maria. Giáo Hội dành riêng tháng này để đặc biệt kính mến Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu nơi trần thế.
2.  Trên cây Thập Giá, trước khi chết, Chúa Giêsu đã giao Đức Mẹ cho Thánh Gioan là môn đệ yêu quý của Chúa và Chúa cũng giao Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Sách Tông Đồ Công Vụ cũng kể lại Đức Mẹ cùng hiện diện với các môn đệ của Chúa trong các buổi đọc kinh cầu nguyện sau khi Chúa đã về trời. Chúng ta tin Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời và Mẹ luôn che chở và cầu bầu cho mỗi người chúng ta.
3.  Những lúc gian nan nguy khốn cũng như khi được an bình hạnh phúc, chúng ta luôn biết chạy đến cùng Mẹ để được an ủi vỗ về che chở và dâng lời cảm tạ.
4.  Chúng ta cũng hãy dâng cho Mẹ Maria những đóa hoa lòng của chúng ta.
- Xin dâng lên Mẹ hoa hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.
- Xin dâng lên Mẹ hoa vàng của niềm tin sắt đá, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác và tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.
- Xin dâng lên Mẹ hoa xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.
- Xin dâng lên Mẹ hoa trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, sạch tội.
- Xin dâng lên Mẹ hoa tím của những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn, xin Mẹ dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.
Với những tâm tình đó, chúng ta cũng xin Mẹ cầu bầu, hộ trì cho toàn thế giới được sống trong hòa bình hạnh phúc.
 THÁNG HOA NHỚ ƠN


Tháng năm là thắng hoa yêu,
Cùng nhau dâng tiến Mẹ nhiều hoa xinh,
Tỏ lòng cung kính Mẹ mình,
Tỏ lòng mến phục trung trinh vẹn toàn.
Xin dâng tiếng hát hợp đoàn,
Tấu vang tình Mẹ hỷ hoan muôn đời,
Sắc hoa tươi thắm tuyệt vời,
Con xin dâng Mẹ trọn đời ngợi ca.
Nhớ lời Mẹ gọi năm qua,
Siêng năng lần chuỗi ngọc ngà Mân Côi,
Nguồn ơn Cứu Độ ban rồi,
Cải tà quy chánh cứu đời khổ đau.
Trần gian sa đắm thương đau,
Mẹ ơi con quyết ghi sâu đền bồi,
Hy Sinh, lần hạt Mân Côi,
Cho toàn thế giới chuyển rời ăn năn.
Mẹ là nữ chúa can ngăn,
Cho đoàn con Mẹ cải răn tội minh,
Đê dâng lên Mẹ thắm xinh,
Mùa hoa nhân ái đặm tình nhớ ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét