Sinh ra trên đời ai cũng
mang một “kiếp người”: sướng khổ, vui, buồn, mạnh khỏe, yếu đau, trẻ, già và
chết. Đời người ví như bản nhạc tình ru. Trong bản nhạc ấy có Pha thăng, có Si
giáng, có khi Đô trưởng, Pha trưởng nhưng có khi lại về La thứ, Rê thứ; có khi
lên quãng năm, quãng tám, có khi lại về quãng ba, quãng nhất; có khi lặng kép,
lặng đơn, lặng đen; có khi bản nhạc hát một bè, có khi hát nhiều bè; có khi
chậm rãi buồn bã có khi dồn dập vui nhộn; rồi đến khi gặp dấu hồi phải quay về
từ đầu bài hát. Đó là một bản nhạc cho một bài hát. Người nhạc sĩ soạn ra bản
nhạc với biết bao công phu và thời gian. Nhạc là cái cảm của đời mà người viết
nhạc muốn trình bày lên dòng nhạc những cảm xúc với đất- trời, với thiên nhiên
và với thân phận con người. Với bài viết này, xin được mạo muội để ví một đời
mình, đời người, đời tu như bản nhạc tình ru. Dù sống hay chết thì bản nhạc ấy
vẫn còn vang vọng trong dòng đời, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lý khi
viết: “Người chết nối linh thiêng vào
đời”.
Với gam Đô trưởng, Son
trưởng, Fa trưởng, ... mang dáng dấp của niềm vui, của sự hạnh phúc; còn những
gam thứ như: Rê thứ, La thứ, Si thứ, ... mang dáng dấp của sự u buồn, của sự não
nề, chán nãn. Nốt nhạc lên cao và mạnh mẽ nghĩa là lên quãng năm quãng tám là
những niềm vui lớn hay đạt được một điều gì trong cuộc sống. Nhưng có khi lại
về quãng ba, quãng nhất, khi ấy cuộc đời mình cảm thấy không tiến lên được mà
chỉ dừng lại và sống bình thường “gặp
chăng hay chớ”hay “như vậy đủ rồi”.
Với nốt lặng kép, lặng
đơn, lặng đen
là khoảng trống của thời gian để nghỉ ngắt hơi. Nốt lặng cũng là nốt trầm lại,
sâu lắng lại một chút để cảm nhận ra cái hay của bản nhạc. Nốt lặng không có
lời nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa, không mạnh mẽ nhưng lại lay động lòng
người... Nốt lặng trong cuộc đời là những lúc con người cảm thấy trống vắng
trong tâm hồn. những lúc ấy con người cần phải lắng đọng giây lát để lấy lại
thư thái bình an. Như Thomas Jefferson đã từng nói: “Hãy dừng lại một chốc để nhìn cho rõ”.
Với bản nhạc có đôi khi
một bè, có khi nhiều bè là những lúc con người cần sự hiện diện của người khác, cần
sự đồng hành của người khác. Vì sống trên đời này cần phải sống cùng, sống với
và sống cho người khác, nếu không cuộc đời sẽ buồn tẻ và cô đơn. Bản nhạc thường
là có lời nhưng cũng có khi không có lời. Đó là lúc con người cần phải nói đúng
lúc, đúng chỗ, cần phải hành động... nhưng có khi cần phải im lặng. Quả thế,
ông A.Arnoux đã phải thốt lên: “Hồ nước
chỉ phản chiếu bầu trời khi nó thinh lặng”. Cần im lặng để nghe người khác
nói về mình, đánh giá về mình là người như thế nào. Bản nhạc ấy có khi lại xuất
hiện dấu hồi thì rõ ràng bài hát phải quay lại. những lúc ấy con người gặp
những điều chẳng nên hay đi sai đường lạc lối. Lúc này cần phải làm lại từ đầu,
bắt lại một nhịp đời khác. Bản nhạc có lúc đi lên, đi xuống; lúc nghỉ ngắn, lúc
ngân dài. Cuộc đời con người cũng ví được như bản nhạc ấy.
Sống trong đời tu cũng
phần nào ví được như bản nhạc ấy; bởi vì đời tu cũng phải trải qua nhiều chặng
đường trong đó có những niềm vui, nổi buồn xen lẫn vào nhau. Nếu chúng ta suy
nghi một chút thì những chặng đường người tu sĩ đã đi qua là những chuỗi Hồng
ân. Dù đường tu ấy đi trong ánh sáng hay trong tăm tối thì cũng là những chuỗi
Hồng ân kết thành bản nhạc tình ca dâng lên Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của
Mẹ Maria.