Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Gọi mãi Thánh Danh Maria



maria
  (Cảm nhận trong tháng Mân Côi)


Maria, thánh danh huyền diệu
Bừng lên nguồn tia sáng tình yêu
Chiếu trong đêm tăm tối mịt mù
Dẫn đưa con đến cõi huyền siêu.
Maria, Mẹ là tất cả
Ánh sao trời lấp lánh đường xa
Tấm thân con và cùng tấc dạ
Theo gót Mẹ hướng đến quê nhà.
Cuộc đời chông gai nhiều khổ ải
Vai nặng nề kiếp sống trần ai
Nhìn lên Mẹ con tìm an ủi
Kêu tên Mẹ con thấy yên hài.
Trải qua bao biến cố thăng trầm
Mịt mù tăm tối nỗi khổ tâm
Con cất tiếng gọi: Maria
Thánh Danh Mẹ khiến con không lầm.
Cậy danh Mẹ con hằng mãi hát
Ba tiếng âm vang sóng lan tràn
Ba tiếng ngân nga hình bóng Mẹ
Maria, ôi Maria!

Peter Thái Hùng

LỜI CHÚA: Lc 17, 7 – 10


cam_on_cuoc_doi.jpg(7) "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", (8) chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!"? (9) Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? (10) Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi".
SUY NIỆM
Cuộc đời là một hồng ân. Đời sống con người được đan dệt bằng những mối tương quan, nhưng có hai mối tương quan chính là tương quan giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau: Con người có bổn phận tôn thờ và thi hành ý muốn của Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên mình, đồng thời con người có những bổn phận trách nhiệm đối với anh em đồng loại, những người cùng chung sống với mình trên một hành tinh. Đó là những bổn phận đương nhiên con người phải làm để được sống trọn vẹn và hạnh phúc. Và con người làm tốt được những bổn phận, hoàn tất được sứ mạng của mình đó là nhờ hồng ân Chúa ban. Thế nên chẳng ai có quyền tự hào gì về những công việc của mình dù tốt đẹp đến đâu. Tuy nhiên, vì có những con người thấy mình ‘đạo đức’ hơn người, có những cống hiến hơn người thì lầm tưởng rằng mình đầy những công nghiệp mà Thiên Chúa có bổn phận phải xem xét và báo đáp, đồng thời lại coi khinh anh em đồng loại. Vì vậy mà Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn về bổn phận người tôi tớ để cảnh tỉnh mỗi người. 
Ngày xưa trong các chế độ phong kiến, nông nô thì các mối quan hệ chủ tớ còn thịnh hành. Người nô lệ được chủ mua về có nhiệm vụ làm tất cả những việc chủ sai bảo, trung thành phục vụ chủ tận tình. Có những đầy tớ hạng sang như thị tì tôi tớ trong cung vua chúa quan quyền, có những đầy tớ của các phú ông giàu có, nhưng cũng có đầy tớ của những gia đình trung lưu bình thường… nói chung phận người đầy tớ hoàn toàn lệ thuộc vào người chủ của mình. Chủ rộng lượng thì đầy tớ được nhờ, còn chủ khắt khe thì đầy tớ cam chịu kiếp khổ ải.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Tu và Tình



Đại thi hào Nguyễn Du có viết trong tác phẩm Truyện Kiều: “Tu là cõi phúc. Tình là dây oan”. Là những Kitô hữu, chúng ta nghĩ gì về câu nói như thế? Tu và tình cái nào mới thật sự làm cho con người ta hạnh phúc trong cuộc đời? Chúng ta có ba góc nhìn về vấn đề này: góc nhìn về chữ “tu, góc nhìn về chữ “tình và góc nhìn về hai chữ hạnh phúc.
Trước tiên, chúng ta bàn đến chữ “tu”. Người bình dân hay trí thức, đạo hay đời thường có nhiều cách hiểu về chữ tu. Ông bà ta thường bảo: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.” Quả thật, câu nói này rất chí lý chí tình, bởi vì trên trần gian này còn tình yêu nào cao cả và thiêng liêng cho bằng tình mẹ cha. Bên cạnh đó, nhiều người thường nói với nhau rằng: “Tu là tù tự nguyện.” Câu nói này nghĩa là gì? Thưa rằng, tu là sửa mình, là uốn mình vào trong một khuôn khổ kỷ luật như “vàng cần thử lửa” hay như viên kim cương cần được gọt giũa liên tục mới trở nên lấp lánh.

Bạn hãy kiên trì trong khó khăn, trở ngại, gian nan, thử thách...



 Những khó khăn mà bạn đối mặt trong cuộc sống sẽ định hình nên tính cách. Đó là những công cụ Chúa dùng để giúp bạn trở nên những tôi nam tớ nữ mà Ngài cần bạn trở thành, và là người bạn ao ước trở thành. Chúa biết bạn nghĩ rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu không có những khó khăn xuất hiện trên đường đời của bạn, và rằng tất cả những khó khăn ấy cản trở việc bạn thi hành ý định của Chúa, nhưng bạn cần tin tưởng rằng Chúa biết điều tốt nhất cho bạn.
Chúa không đặt ý định của Ngài trước mặt bạn như một hộp bánh cookies ngon tuyệt và nói: “Đây, hãy nhận lấy.” Ý định của Ngài thường được đặt rất cao, rất khó với tới, và bạn phải nổ lực rất nhiều mới đạt được mục tiêu - đó chính là những gì Chúa dùng để làm bạn trở thành một người mà bạn cần phải trở thành.
Chúa biết rõ những gì bạn trải qua, và những khó khăn, “những gian nan trong cuộc sống” chính là những gì xuất hiện trong quá trình nổ lực thi hành thánh ý Ngài và trở thành người mà Ngài muốn nơi bạn. Ngay cả những điều như xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững, nuôi dạy con cái, có một cuộc sống tinh thần vững vàng, và làm gương sáng, làm chứng cho những ai chưa biết Chúa, chính là những việc bạn phải làm để tôn vinh Chúa, và bạn thường thiếu sót, gặp khó khăn, thử thách và cảm thấy bị chỉ trích khi làm những việc ấy.
Bạn muốn làm tất cả những gì Chúa yêu cầu nơi bạn, nhưng cuộc sống lại không suôn sẻ, mọi việc lại quá khó khăn. Chính Chúa là Đấng đã nói: “Hãy chinh phục độ cao này” và Ngài cũng là Đấng để mưa, tuyết và những trở ngại chen vào con đường của bạn. Vì thế, đừng cảm thấy lo lắng hoặc chỉ trích.
Chúa muốn bạn chiến đấu để với tới cho được thánh ý của Ngài, nhưng Ngài cũng để cho những khó khăn và trở ngại xuất hiện đồng thời, và Ngài dùng những khó khăn và thử thách như công cụ của Ngài trong cuộc sống của bạn. Còn điều gì khác giữ bạn khiêm tốn và cậy dựa vào Chúa? Còn điều gì khác dạy bạn những bài học bạn cần học? Chúa biết, đôi lúc bạn ước gì Chúa mang những chướng ngại và thử thách đến trong cuộc sống của bạn dễ hiểu hơn, hợp lý hơn, dễ dàng chống chọi hơn, hữu dụng hơn, thay vì những điều có vẻ rất kỳ quặc mà Ngài bảo bạn làm.
Bạn phải biết rằng bất cứ vết thương hay mất mát nào xảy đến trong cuộc sống của bạn, đều có lý do, và như lời Chúa đã hứa, tất cả rồi sẽ nên tốt đẹp để sinh ích, ngay cả khi những điều xảy ra ấy dường như rất tiêu cực và chẳng ích lợi gì.
Chúa biết bạn đang phải đối mặt với những khó khăn khiến bạn mệt mỏi và bạn ước gì chúng biến mất để bạn có thể tập trung vào những việc to lớn hơn, những việc tốt hơn, những việc có vẻ như đáng được khâm phục hơn, nhưng kế hoạch của Ngài dành cho bạn, chính là nỗ lực vượt qua những chướng ngại bạn đối mặt ngày hôm nay, cho dù chúng là gì và đến từ đâu; kế hoạch của Ngài, chính là muốn bạn không nản lòng khi làm việc thiện hoặc chỉ trích về nguyên nhân do đâu xuất hiện khó khăn.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Mười Lăm Điều Thượng Đế Sẽ Không Hỏi


Fifteen Things God Won’t Ask
Thượng đế sẽ không hỏi bạn lái ô tô hiệu gì, nhưng sẽ hỏi bạn chở được bao nhiêu người không có phương tiện đi lại.
• God won’t ask which car you drive, but will ask how many people you drove who didn’t have transportation.

Thượng đế sẽ không hỏi nhà bạn lớn cỡ nào, nhưng sẽ hỏi bạn đã chào đón bao nhiêu người đến nhà. 
• God won’t ask how big is your house, but will ask how many people you welcomed into your home.

Thượng đế sẽ không hỏi về quần áo thời trang trong tủ áo của bạn, nhưng sẽ hỏi bạn bao nhiêu trong số quần áo ấy đã giúp kẻ khó. 
• God won’t ask about the fancy clothes in your wardrobe, but will ask how many of those clothes helped the needy.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

CÃI NHAU BẰNG NỐT NHẠC


Một cặp vợ chồng nghệ sĩ nọ một hôm bàn với nhau:
- Chúng ta đều là nghệ sĩ, làm việc gì cũng phải biểu lộ tính chất nghệ sĩ
- Chẳng hạn như? Cô vợ hỏi.
- Chẳng hạn như nếu chúng ta bất đồng ý kiến ở giữa chỗ đông người , chỉ nên dùng những nốt nhạc mà bàn cãi, chỉ riêng chúng ta hiểu với nhau thôi, cãi nhau mà thiên hạ tưởng như chúng mình đang ca hát, thì mới đúng là nghệ sĩ. 

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Giáng Sinh – một Quà Tặng



Tại cánh đồng Bêlem vào đêm Chúa giáng trần, sứ thần đã nói với các mục đồng: “Này đây tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Với lời loan báo ấy, sứ thần muốn trấn an các mục đồng trước nỗi kinh khiếp hãi hùng của họ, đồng thời cũng giới thiệu cho họ về một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Món quà ấy là Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. Đây là món quà chẳng của riêng ai mà được ban tặng cho toàn thế giới.
Sau này, trong một cuộc đàm đạo vào ban đêm, chính Đức Giêsu tuyên bố với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với lời này, Đức Giêsu khẳng định Người là món quà mà Chúa Cha ban tặng cho thế gian.
Trong mối tương quan đời thường, tặng quà cho ai là nói lên sự trân trọng quý mến đối với người đó. Có thể đó là những món quà rất đơn sơ, nhưng đều diễn tả tấm lòng của người tặng, vì thế mà ông bà ta thường dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Những món quà đúng nghĩa không bao giờ kèm theo ý đồ trục lợi theo kiểu “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”, tức là cho quà với dụng ý tranh thủ, mua chuộc.
Mỗi chúng ta chắc hẳn đã hơn một lần cảm nghiệm niềm vui khi chúng ta trao tặng những món quà. Nếu người nhận được hưởng niềm vui vì có quà, thì người tặng lại có niềm vui vì được chia sẻ. “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35), triết lý của sự sẻ chia kỳ diệu là thế. Khi tặng quà, chúng ta vui vì mình đã làm một việc nghĩa, đồng thời vui khi thấy món quà của mình đem niềm hạnh phúc cho người khác.

TẢN MẠN ĐÊM HIỂN LINH






Huế đang chuyển mình từ Đông sang Xuân, cái lạnh se se đủ để nàng thơ khoác lên mình chiếc khăn ấm xinh xinh mang nặng dáng dấp của con người xứ Huế, vừa thiết tha vừa trầm tư sâu lắng lạ. Phút hoàng hôn động lại trên tán me bay những giọt sương long lanh bởi ánh điện đường chiếu xuống ấm áp đến lạ kỳ. Sông Bến Ngự cũng đang mãi miết uốn mình theo bóng núi Ngự trãi dài bắc ngang qua phố Huế. Xa xa mấy chiếc thuyền chài đang thiu thiu ngủ sau một ngày bơi trãi cùng kiếp nhân sinh. 
Nghiêng mình bên dòng Bến Ngự, tiền đường Dòng Thánh Tâm đang lặng lẽ soi bóng xuống mặt sông đang gợn sóng li ti, nơi mấy bác ngư phủ đang nhâm nhi chén trà li rượu bên bếp than hồng ấm cúng. Quả là thanh tao ung dung tự tại như bản chất vốn có.

Đêm nay, khuôn viên Dòng Thánh Tâm không huyên náo như đêm Giáng sinh, nhưng đổi lại một bầu khí chìm lắng trong suy tư tĩnh lặng và kiếm tìm. Hang đá, pano, nến, cây thông… là điểm hội tụ cho một ý nghĩa siêu việt minh chứng biến cố Thiên Chúa Ngôi Hai xuống thế, để rồi đi trên đôi chân con người và mạc khải tròn đầy tình yêu của Đấng Chân Thiện Mỹ. Ánh sao lạ được thắp lên xé toạc cả một không gian và cả lòng sông phẳng lặng. Để chuẩn bị cho lễ Hiển Linh hay còn gọi là lễ Ba Vua. Năm xưa, Thiên Chúa tỏ mình cho ba nhà Đạo Sĩ  Phương Đông, qua ánh sao lạ xuất hiện trên bầu trời dẫn ba ngài đến chiêm bái Vua Hòa Bình đang rét run bên máng cỏ hang lừa. Như ý tròn đầy của câu đối:

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Và đã làm người


        Khi đọc Kinh Tin kính, đến tín điều diễn tả việc Ngôi Lời nhập thể trong lòng Đức Maria, Phụng vụ khuyên chúng ta cung kính cúi đầu hoặc bái gối, để tưởng niệm một thời khắc lịch sử quan trọng của ngày Truyền tin: với lời thưa “Xin vâng” của Đức Maria, “chốc ấy” Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt nơi cung lòng của Mẹ. Đấng vĩnh cửu đã bước vào thời gian. Thiên Chúa đã đến cắm lều và cư ngụ giữa con người.
Thiên Chúa làm người. Đây không phải câu chuyện hoang đường, mà là một trong ba “Mầu nhiệm cả” của đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này diễn tả mối tương quan gần gũi giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời trình bày cho ta thấy một quan niệm rất đặc biệt về Ngài.
Từ thuở con người được sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên họ giống hình ảnh Ngài (x St 1,27). Khi nói con người giống như Thiên Chúa, cũng có nghĩa là Thiên Chúa giống như con người. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa trân trọng họ, muốn tạo mối liên hệ rất thân thiết với họ. Là Đấng Sáng tạo, Thiên Chúa không chỉ để lại dấu ấn của Ngài nơi các tạo vật khác như thiên nhiên vũ trụ, mà Ngài muốn in dấu hình ảnh của Ngài nơi khuôn mặt con người, để rồi khi nhìn thấy con người là người ta có thể nhận ra một phần vinh quang của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa còn muốn tự đồng hóa với con người, mặc dù Ngài là Tạo Hóa, còn con người chỉ là tạo vật. Chân dung Thiên Chúa được thể hiện rất độc đáo qua lối trình bày này. Sau này, mối tương quan ấy được chính Chúa nhấn mạnh trong lời phán với ông Môisen từ bụi gai cháy bừng: “Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3, 15). Chắc chắn ông Môisen và mọi con cái Israel khi nghe những lời này đều hồi tưởng về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã làm đối với Tổ phụ của họ trải qua suốt bề dày lịch sử dân tộc. Thiên Chúa tạo dựng con người không chỉ giống như người thợ gốm nặn nên những chiếc bình, mà Ngài còn chủ động đặt mối tương quan thân tình với họ, làm cho họ nên giống như Ngài.

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng – Năm C


“Tỉnh thức sẵn sàng”
Trong những ngày này,  nhiều người xôn xao vì những thông tin trên một số trang mạng về ngày tận thế, theo đó thì ngày tận thế sẽ vào ngày 23 tháng 12 năm 2012. Tuy có một số người hoang mang trước những tin đồn này, nhưng phần lớn lại chẳng quan tâm. Trong lãnh vực thương mại kinh doanh, người ta vẫn giao dịch làm ăn như thường, mặc dù có lúc cũng nhắc tới những thông tin này. Xem ra con người ngày nay không mấy bận tâm đến ngày tận thế. Thực ra, họ cũng có lý, vì trong lịch sử, khá nhiều lần người ta loan báo sắp tận thế, vậy mà tận thế cũng chẳng đến.
Có một câu chuyện kể về một làng xóm miền quê hẻo lánh thời xưa hay bị quân cướp từ xa đến giết người cướp của. Những người dân trong làng quyết định thành lập một tổ bảo vệ gồm thanh niên vạm vỡ khỏe mạnh, làm chòi thường trực 24/24. Một ngày nọ, mấy anh thanh niên ngồi trực mãi thấy buồn, liền bảo nhau: “hay là mình thử bảo động xem mọi người có tới không”. Và họ gõ kẻng báo động. Mọi người từ ngoài đồng chạy về, từ trong làng chạy ra, vì họ nghe tiếng kẻng. Sau khi biết mấy chàng thanh niên chỉ đùa cho vui, họ trở về với công việc của mình. Chừng một tháng sau, có quân cướp xuất hiện. Mấy anh canh gác tha hồ mà gõ kẻng, nhưng chẳng ai quan tâm vì tưởng họ lại đùa như lần trước. Kết quả là cả làng bị tàn phá, những người già ở nhà bị giết và của cải bị lấy đi sạch.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Vội vã


Cuộc sống hôm nay có thể được tóm lại trong hai chữ “vội vã”. Thật vậy, một khuynh hướng sống hiện tại là người ta đều vội vã, gấp rút, chỉ muốn nghĩ đến tốc độ mà không nghĩ tới chất lượng hiệu quả của công việc.
Trong lãnh vực ẩm thực, thịnh hành những món ăn nhanh (fast foods), mì ăn liền. Các nhà hàng quảng cáo những món ăn làm rất nhanh để phục vụ khách sau 9 phút. Việc ăn uống cũng rất vội vàng, không phải là thưởng thức nghệ thuật nấu ăn, mà giống như chỉ nhằm mục đích nạp năng lượng cho cơ thể.
Ngôn từ của ngành ẩm thực đã ảnh hưởng lãnh vực văn hóa, vì thế mà xuất hiện những bộ phim kiểu “mì ăn liền”, sản xuất với tốc độ nhanh, đầu tư ít, đồng thời đáp ứng được thị hiếu rẻ tiền của một số khán giả. Thông thường, những bộ phim kiểu này không chuyển tải một thông điệp gì đặc biệt, nhai đi nhai lại những câu chuyện có nội dung giống nhau, người ta chỉ xem một lần, vì nó chẳng để lại ấn tượng nổi bật.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Thư gởi Thầy Giêsu – Nhà Giáo số 1


Kính thưa Thầy Giêsu rất quý mến, trong những ngày này, lòng của những người con Đất Việt đang rộn rã và háo hức đón chào ngày truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ngày “Hiến chương nhà giáo”. Đây là dịp thuận tiện để mỗi người học trò như chúng con có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn xâu sắc đối với những người đã có công lao dạy dỗ chúng con, mà chúng con gọi các ngài bằng một tên gọi đáng kính là “thầy”. Trong số những người thầy ấy, chúng con nhận thấy có một người thầy tối cao và thượng trí, đó chính là “Thầy Giêsu”. Nhân dịp này, chúng con cũng xin được bày tỏ lòng lòng tri ân đối với Thầy.
Thưa Thầy đáng kính, đối với chúng con Thầy chính là người thầy đầu tiên và cũng chính là người thầy cùng song hành để dạy dỗ chúng con trong suốt cả cuộc đời. Thầy đã dạy cho chúng con những bài học quý giá trong mối tương quan đối với Chúa, đối với anh em đồng loại và đối vời chính bản thân chúng con. Cũng là thầy, nhưng Thầy khác với bao người thầy khác, Thầy không bao giờ dạy chúng con những gì mà Thầy chưa từng sống và từng làm. Thầy vừa là người thầy nhưng còn là chứng nhân cho lẽ sống: Thầy đã dạy cho chúng con biết Thiên Chúa là Cha của chúng con, Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Qua kinh Lạy Cha, Thầy còn dạy cho chúng con biết cách trò chuyện với Ngài như Thầy đã từng trò chuyện; Thầy dạy chúng con phải sống yêu thương như Thầy đã từng yêu thương chúng con, sống tha thứ như Thầy đã thứ tha. Hơn nữa, Thầy còn dạy chúng con phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ, như Thầy đã từng làm. Thử hỏi ngoài Thầy ra, có người thầy nào dám dạy và dám sống như Thầy chăng? Thầy mời gọi chúng con sống Tám mối phúc thật như là kim chỉ nam để rèn luyện con người mình nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, mà chình Thầy là mẫu gương sáng ngời cho chúng con. Những lời giáo huấn của Thầy tuy ngắn ngủi, đơn sơ và mộc mạc, nhưng lại chứa đựng giá trị nhân văn xâu sắc mà mỗi người cần phải có và phải sống. Thầy đã dùng những hình ảnh hết sức đời thường như muốn dẫn đưa chúng con đi xâu vào thực tại của cuộc sống, để chúng con có thể cảm nghiệm và sống đúng những gì thầy truyền dạy.

Chúa nhật 33 thường niên – năm B


Cuộc sống sẽ ra sao sau khi chết ? Tương lai con người đi về đâu? Đó là những câu hỏi không ngừng ám ảnh con người. Nhiều người đã tìm đến những thực hành dị đoan, bói toán để tìm ra câu trả lời và để tìm biết hậu vận tương lai.
Chúa nhật 33 mùa thường niên hôm nay là chúa nhật áp cuối của năm phụng vụ, chuẩn bị cho chúa nhật sau mừng kính Chúa Giê-su Vua vũ trụ. Vì vậy, Lời Chúa hướng chúng ta về giờ phút chung cục của cuộc đời, đồng thời đưa ra giải đáp cho những vấn nạn từ ngàn xưa. Những nấm mộ ngoài nghĩa trang nói với chúng ta rằng: con người sẽ không tồn tại mãi mãi nơi trần gian; tháng ngày đang dần trôi cũng nhắc nhở chúng ta: cuộc sống sẽ có hồi kết thúc. Trong một thị kiến, ngôn sứ Đa-ni-en đã được Chúa cho thấy ngày tận thế, lúc mà thời gian sẽ kết thúc, thân xác những người chết sẽ được sống lại, khởi đầu cuộc sống vĩnh cửu. Đây là đích điểm của lịch sử, là lúc Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Những người thánh thiện sẽ được chiêm ngưỡng Chúa và sẽ được hạnh phúc đời đời. Sách Đa-ni-en đã đưa ra một câu trả lời về hậu vận tương lai của con người, đồng thời nhắn nhủ mọi người hãy cố gắng sống tốt lành, bởi sẽ có những người sống lại để hưởng vinh quang, nhưng cũng có những người sống lại để chịu trầm luân mãi mãi.

Bức thư của người học trò gửi Cô nhân Ngày Nhà Giáo


Con cảm ơn Cô!

Cảm ơn Cô về những bài học giáo lý, về những điều hay lẽ phải Cô đã dạy con, về những tình cảm và tâm huyết mà Cô đã dành cho con và cho các bạn, về những gì con đã nhận được từ Chúa qua Cô, đặc biệt về những lần Cô "kéo" con về với Chúa.
Nếu không có Cô, có lẽ giờ này con chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt dù có tài đi chăng nữa. Và cũng chẳng phải là một người tông đồ như ngày hôm nay. Mong sao khi không còn Cô sát bên con, Chúa vẫn luôn giữ gìn con như Chúa đã nhờ Cô giữ gìn con. Con không hứa với Cô sẽ trở thành một GLV như Cô mong đợi nhưng con sẽ không phụ những điều Cô đã dạy con và sẽ luôn là một "Hiệp sĩ" Cô nhé?
Có người chia sẻ với con rằng khi họ gặp khó khăn, trở ngại và gian truân thì họ không thể nhận ra tiếng Chúa từ những điều ấy! Cảm ơn Cô vì những năm tháng Cô dạy dỗ con để con có thể cảm nếm tình Chúa và lắng nghe tiếng Ngài trong mọi biến cố... Cảm ơn Cô vì Cô đã đồng hành với con và giúp con nhìn mọi biến cố của cuộc sống trong cái nhìn Đức Tin.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXII

Lời Chúa: Lc 17,7-10:                  Tinh thần phục vụ đích thực

Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận đấy thôi (Lc 17,10b)
Suy niệm 
Một trong những nhân vật nổi tiếng trong Giáo hội hiện nay vẫn đang được thế giới nhắc nhở và thương mến, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi luật Tân trao đầu thập niên 60; đầu năm 1971, mẹ lại được Đức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ An nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hòa bình năm 1979. Đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ An gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: “Tất cả vì vinh quang Chúa”.
“Tất cả vì vinh quang Chúa”, đó là động lực thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu, nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.