Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Giáng Sinh – một Quà Tặng



Tại cánh đồng Bêlem vào đêm Chúa giáng trần, sứ thần đã nói với các mục đồng: “Này đây tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Với lời loan báo ấy, sứ thần muốn trấn an các mục đồng trước nỗi kinh khiếp hãi hùng của họ, đồng thời cũng giới thiệu cho họ về một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Món quà ấy là Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. Đây là món quà chẳng của riêng ai mà được ban tặng cho toàn thế giới.
Sau này, trong một cuộc đàm đạo vào ban đêm, chính Đức Giêsu tuyên bố với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với lời này, Đức Giêsu khẳng định Người là món quà mà Chúa Cha ban tặng cho thế gian.
Trong mối tương quan đời thường, tặng quà cho ai là nói lên sự trân trọng quý mến đối với người đó. Có thể đó là những món quà rất đơn sơ, nhưng đều diễn tả tấm lòng của người tặng, vì thế mà ông bà ta thường dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Những món quà đúng nghĩa không bao giờ kèm theo ý đồ trục lợi theo kiểu “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”, tức là cho quà với dụng ý tranh thủ, mua chuộc.
Mỗi chúng ta chắc hẳn đã hơn một lần cảm nghiệm niềm vui khi chúng ta trao tặng những món quà. Nếu người nhận được hưởng niềm vui vì có quà, thì người tặng lại có niềm vui vì được chia sẻ. “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35), triết lý của sự sẻ chia kỳ diệu là thế. Khi tặng quà, chúng ta vui vì mình đã làm một việc nghĩa, đồng thời vui khi thấy món quà của mình đem niềm hạnh phúc cho người khác.

Khi nói đến quà tặng, nhiều người nghĩ ngay đến vật chất tiền bạc. Điều đó không sai, nhưng khái niệm “quà tặng” cần được hiểu rộng rãi và sâu xa hơn, vì những món quà mà chúng ta chia sẻ cho nhau rất đa dạng. Đó có thể là vật chất, tiền bạc, đồ dùng; nhưng đó cũng có thể là những lời nói yêu thương, một cử chỉ thân thiện, một nụ cười thông cảm, một cái bắt tay chân tình. Trong thời đại “a-còng – @” này, quà tặng có thể là một tin nhắn, một email thân tình. Tất cả đều có thể trở nên quà tặng nếu chúng được trao với trái tim yêu thương và tấm lòng rộng mở chân thành.
Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Một của Ngài không theo kiểu tặng quà của thế gian. Lý do của việc Ngài tặng quà là tình yêu thương. Tặng cho thế gian Con Một mình, đó là bằng chứng cao cả nhất của tình thương Thiên Chúa. Đó cũng là một biện pháp cuối cùng mà Thiên Chúa đã thực hiện, sau khi đã dùng nhiều thể nhiều cách trong lịch sử mà phán dạy con người (x. Dt 1,1). Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn minh chứng và thể hiện tình thương vô bờ bến của Chúa Cha. Không chỉ đem cho con người những lời giáo huấn về chân lý vĩnh cửu, Đức Giêsu còn hiến chính mạng sống vì con người. Trên cây thập tự, Người thể hiện cách rõ ràng nhất, Người là quà tặng của Thiên Chúa vì ơn cứu rỗi trần gian.
Cũng như mỗi loài hoa mang một ý nghĩa tượng trưng, những món quà cũng chuyển tải sứ điệp của người gửi. Có thể đó là lời khích lệ động viên, nhưng cũng có thể là lời nhắc nhở cảnh báo. Giáo huấn của Đức Giêsu là quà tặng cho con người cũng bao hàm những ý nghĩa trên, vừa khen ngợi động viên, vừa phê phán nhắc nhở. “Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng”, những ai biết đón nhận giáo huấn ấy sẽ được chữa lành, trở nên hoàn thiện và tìm thấy bình an.
Có những món quà được vui vẻ đón nhận và trân trọng giữ gìn, nhưng cũng có những món quà được đón nhận một cách miễn cưỡng để rồi sau đó khinh thường rũ bỏ. Khi Thiên Chúa tặng ban cho con người món quà có tên là Giêsu, có nhiều người hân hoan đón nhận, nhưng cũng có nhiều nhiều khinh miệt chê bai, thậm chí còn gạt bỏ, khước từ và cuối cùng đóng đinh Người trên thập giá. Tuy vậy, đối với Thiên Chúa, việc con người chối bỏ món quà của Ngài không làm mất đi giá trị của món quà cao quý đó. Thế rồi, hai ngàn năm đã qua, Đức Giêsu Kitô, món quà của Chúa Cha ban tặng vẫn đang ngỏ lời với nhân loại, vẫn có rất nhiều người mở rộng tâm hồn đón nhận và vẫn có những người đang tâm khước từ. Người nhận quà nhận ra nơi món quà đó niềm vui, sự bình an và con đường cứu rỗi. Người khước từ chỉ thấy nơi món quà đó những ràng buộc, hy sinh mà họ không có can đảm thực hiện. Lúa và cỏ vẫn đang cùng mọc lên trong cánh đồng mênh mông là thế gian này. Thiện ác vẫn đan xen nhau trong cuộc đời dương thế. Bóng tối và ánh sáng vẫn đang tranh chấp giành giật nhau. Đón nhận quà tặng của Chúa Cha, chính là khôn ngoan phân biệt tốt xấu và chọn lựa hướng đi cho đời mình.
Mỗi khi Giáng Sinh về, khắp nơi tưng bừng chào đón Đức Giêsu, quà tặng của Thiên Chúa. Giáng Sinh cũng là dịp người ta tặng quà cho nhau. Trừ những quà tặng mang ngầm ý trục lợi, những món quà bao giờ cũng tượng trưng cho tình yêu mến và sự trân trọng. Có những món quà gợi nhớ yêu thương nhằm hàn gắn những rạn nứt đổ vỡ trong tình gia đình hoặc tình bạn bè. Có những món quà nối kết tình thân, xây tình bằng hữu. Có những món quà mang đến cho người nghèo sự an ủi và niềm vui rất xúc động. Đức tin giúp ta nhận ra nơi những món quà đó có hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Cùng với món quà của ngày Giáng Sinh, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục trao tặng chúng ta rất nhiều món quà kỳ diệu: vẻ đẹp của thiên nhiên, sự xoay vần của thời tiết, những tài nguyên trong lòng đất, dưới đại dương… tất cả đều là quà tặng của Thiên Chúa. Những năm gần đây, phổ biến tình trạng con người đã thiếu trân trọng đối với món quà thiên nhiên mà Chúa ban tặng, làm mất đi sự quân bình của môi trường sinh thái. Có những lúc thiên nhiên đã nổi giận trước sự lạm dụng của con người. Hãy chiêm ngưỡng Hang đá Máng cỏ để tìm thấy ở đó lời nhắc nhở tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Đức Giêsu sinh ra trong một khung cảnh êm đềm, có những người mục đồng cung kính thờ lạy, có những con bò lừa quây quanh tỏa hơi ấm, có cỏ cây, rơm rạ tỏa ngát hương thơm. Nơi Hang đá, Thiên Chúa, con người và tạo vật đồng hiện hữu trong sự thanh thản, yên lành. Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta sự bình yên của Vườn Địa Đàng, ở thuở hồng hoang của lịch sử nhân loại.
Con người trong xã hội không chỉ biết nhận quà mà còn phải biết cho đi. Người tín hữu đón nhận quà tặng của Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh, đươc kêu mời hãy trở nên những món quà trao tặng cho nhau. Biết cho đi cách bao dung quảng đại, đó chính là bí quyết của hạnh phúc. Trong cuộc sống này, mỗi người là một món quà để trao tặng cho nhau trong tình thương mến. Thiên Chúa khôn ngoan đã tạo dựng con người khác nhau về giới tính, về địa vị xã hội, vê điều kiện kinh tế hay trình độ văn hóa. Sự khác biệt đó tạo nên nơi con người nhu cầu nhận quà và khát khao chia sẻ. Người trí thức chia sẻ với người nông dân những kiến thức căn bản của đời sống; người nông dân chia sẻ cho người trí thức hạt gạo họ làm ra. Không ai có thể làm mọi việc; chẳng ai có thể sống một mình. Con người sống phụ thuộc vào nhau, và như thế họ là những món quà tặng cho nhau để rồi người cho cũng như người nhận, cả hai đều vui vẻ hạnh phúc. Có bao giờ chúng ta nghĩ người vợ là quà tặng đối với người chồng; con cái là quà tặng của Chúa cho cha mẹ; bạn bè đồng nghiệp là quà tặng cho nhau? Nếu coi nhau là quà tặng, chúng ta sẽ đón nhận với lòng trân trọng tri ân, để những món quà ấy thực sự đem lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống.
Đức Giêsu là quà tặng của Chúa Cha cho nhân loại. Nhờ mang danh Kitô hữu, mỗi chúng ta cũng hãy trở nên quà tặng cho nhau. Khi ý thức điều đó, chúng ta sẽ tìm lại khung cảnh an bình xa xưa của Vườn Địa Đàng, cuộc sống sẽ tràn ngập hạnh phúc.
Ba nhà đạo sĩ từ phương Đông đã lên đường để gặp gỡ Hài Nhi Giêsu tại Bêlem. Các ông đã dâng Chúa những sản phẩm địa phương là vàng, nhũ hương và mộc dược. Những quà tặng của các ông đều mang ý nghĩa tượng trưng diễn tả thân thế và sứ mạng của Chúa. Vâng, ngay hôm nay, tôi và bạn, chúng ta cũng được mời gọi lên đường để gặp Hài Nhi Giêsu, để lắng nghe và sống “sứ-điệp-quà-tặng” mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta.

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét