Cuộc sống hôm nay có thể được tóm lại trong hai chữ
“vội vã”. Thật vậy, một khuynh hướng sống hiện tại là người ta đều vội vã, gấp
rút, chỉ muốn nghĩ đến tốc độ mà không nghĩ tới chất lượng hiệu quả của công
việc.
Trong lãnh vực ẩm thực, thịnh hành những món ăn
nhanh (fast foods), mì ăn liền. Các nhà hàng quảng cáo những món ăn làm rất
nhanh để phục vụ khách sau 9 phút. Việc ăn uống cũng rất vội vàng, không phải
là thưởng thức nghệ thuật nấu ăn, mà giống như chỉ nhằm mục đích nạp năng lượng
cho cơ thể.
Ngôn từ của ngành ẩm thực đã ảnh hưởng lãnh vực văn
hóa, vì thế mà xuất hiện những bộ phim kiểu “mì ăn liền”, sản xuất với tốc độ
nhanh, đầu tư ít, đồng thời đáp ứng được thị hiếu rẻ tiền của một số khán giả.
Thông thường, những bộ phim kiểu này không chuyển tải một thông điệp gì đặc
biệt, nhai đi nhai lại những câu chuyện có nội dung giống nhau, người ta chỉ
xem một lần, vì nó chẳng để lại ấn tượng nổi bật.
Trong lãnh vực chăn nuôi, tràn lan các loại thuốc
kích thích mà tên gọi của chúng được khởi đầu bằng chữ “siêu”: “siêu tăng
trọng”, “siêu nạc”, “siêu tốc”. Cách đây vài tháng, rộ lên vụ một số
người chăn nuôi heo ở Đồng Nai sử dụng chất kích thích siêu nạc, làm cho trên
bàn ăn vắng bóng những món thịt và những người chăn nuôi lương thiện một phen
điêu đứng.
Chẳng chịu thua, những người làm nghề nông cũng đã
quen với một loạt hóa chất chẳng rõ nguồn gốc, tên gọi của chúng cũng mang tính
“siêu tốc”. Nghe nói có loại thuốc gọi là “thuốc kích phọt” làm cho cây rau lớn
nhanh tới 5cm mỗi ngày (Tin đăng trong “Tiền phong online” 11-1-2008).
Cũng vậy, người ta thu hoạch trái cây khi còn non xanh sau đó dùng thuốc kích
thích và trái cây tiếp tục chín khi vận chuyển hoặc khi lưu kho mà vẫn thơm
ngon về hương vị, hấp dẫn về màu sắc, đầy vẻ quyến rũ và lôi kéo giác
người tiêu dùng.
Những người tham gia giao thông ai cũng muốn đi
nhanh mà chẳng để ý đến việc chấp hành luật. Mỗi ngày có biết bao tai nạn,
thiệt hại về tài sản và nhân mạng, vậy mà vẫn còn quá nhiều những người phóng
nhanh vượt ẩu, để rồi vì “nhanh một phút mà chậm cả đời”.
Trong tình yêu hôn nhân, người ta yêu vội vã, cưới
vội vã rồi cũng vội vã chia tay. Hậu quả là phá thai tràn lan, hoặc nếu có
những đứa trẻ ra đời thì cũng thiệt thòi bất hạnh vì có cha mà không có mẹ hay
ngược lại. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những trẻ em bụi đời, băng đảng và
lang thang cùng cực.
Trong lãnh vực kinh tế, nhiều người mong muốn làm
giàu thật nhanh, bằng mọi giá, theo kiểu chụp giật, bất chấp pháp luật và lương
tâm đạo đức con người. Có người đã phải trả giá rất đắt, vì làm ăn bất lương là
con đường ngắn nhất để dẫn đưa người ta vào tù.
Trong lãnh vực luật pháp, vì vội vàng nên có những
văn bản pháp luật mà lại… trái pháp luật! hãy đọc trang tin điện tử Hà Nội Mới ngày 25-3-2012: “Số
liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2011, các Sở Tư pháp của 63 địa
phương trong cả nước đã kiểm tra gần 44.600 văn bản quy phạm pháp luật, phát
hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình thức, nội dung và
thẩm quyền ban hành. Xét về con số thì tỷ lệ văn bản vi phạm pháp luật của năm
2007 là 21%; 4 năm sau, năm 2011 con số đó là 30%. Đây là thực tế đáng lo
ngại”. Chuyện thật mà tưởng như đùa. Những người lập ra văn bản pháp luật
mà cẩu thả hoặc kém năng lực thì sẽ đưa tương lai đất nước đến đâu? Chúa Giêsu
đã nói:“Người mù mà dắt người mù, cả hai sẽ lăn xuống hố” (Mt 15,14). Đã
có khá nhiều văn bản pháp luật bị “tuýt còi” ngay sau khi được công bố. Tuy
vậy, cũng có khá nhiều người đã trở thành nạn nhân của những văn bản phạm quy
như vậy.
Trong đời sống đức tin, có nhiều bạn trẻ cũng yêu
nhau vội vã và nhanh chóng đòi bằng được cử hành hôn lễ, vì vậy mà nảy sinh
loại hình những lớp giáo lý hôn nhân cấp tốc (hay siêu tốc!). Nhiều cặp lấy
nhau vội vã kiểu này, sau đó ít khi thấy họ đến nhà thờ. Lấy nhau vội vã, nhiều
cặp cũng không thể sống với nhau được lâu bền. Họ cũng vội vã chia tay.
Có lẽ nguy hiểm nhất là trong lãnh vực truyền
thông. Việc đăng tải và phát hành những nhận định hay kết luận quá vội vàng đã
gây biết bao hậu quả tai hại. Người ta thông tin vô trách nhiệm, có khi mang
một cái tên bất kỳ nào đó. Nội dung thì vu khống thất thiệt. Năm 2010, bỗng
nhiên trên mạng internet xuất hiện những bài viết về nguy cơ ung thư do ăn
bưởi, cá kèo, sầu riêng… thế là những người tiêu dùng tẩy chay các loại rau quả
hay thực phẩm được nêu, làm cho những người sản xuất chỉ còn biết khóc bên đống
sản phẩm không tiêu thụ được. Không rõ pháp luật của ta quy định thế nào về
những người đưa những thông tin thất thiệt. Hình như những sự việc sau khi xảy
ra rồi nhanh chóng chìm xuồng, chỉ những người lao động nghèo là lãnh đủ.
Ông bà ta đã dạy: “Dục tốc bất đạt”. Muốn nhanh quá
thì sẽ không thành công. Những hậu quả nhãn tiền đã chứng minh điều đó. Vì lợi
nhuận, người ta có thể làm mọi việc, không xét đến tiếng nói của lương tâm, không
quan tâm đến mạng sống của người khác. Một nền văn hóa có truyền thống hiếu hòa
lâu đời đang có nguy cơ bị thoái hóa do lối sống xô bồ. Một giống nòi đã bao
đời làm vẻ vang Dân Việt đang có nguy cơ bị chết dần chết mòn do sự vô trách
nhiệm và ích kỷ của con người.
Cuộc sống cần có chữ “nhẫn” để hành động
đúng, vì “sai một ly, đi một dặm”.
Cuộc sống cần có chữ “nhẫn” để tự chủ trong
ngôn từ, vì “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan
truy” (một lời xuất ra, bốn con ngựa đuổi không kịp).
Cuộc sống cần có chữ “nhẫn” để giữ tình bác
ái, vì “khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của
Thiên Chúa” (Gc 1,20).
Có người so sánh cuộc đời giống như một bản nhạc
giao hưởng, được cấu thành bởi những âm điệu khác nhau. Bản nhạc ấy có khi sôi
động, có lúc nhẹ nhàng. Trong bản nhạc cũng cần có những khoảng lặng để tăng
thêm cảm xúc. Bản nhạc cuộc đời cần có những khoảng lặng ấy để giúp con người
nhìn lại cuộc sống của mình, để tránh cách hành xử vội vàng. Mỗi người chúng ta
hãy tạo cho mình những khoảng lặng ấy, và như thế, cuộc sống này sẽ êm đềm và
trữ tình hơn.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét