(7) "Ai
trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở
ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", (8) chứ không bảo: "Hãy
dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy
ăn uống sau!"? (9) Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm
theo lệnh truyền sao? (10) Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả
những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô
dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi".
SUY NIỆM
Cuộc
đời là một hồng ân. Đời sống con người được đan dệt bằng những mối
tương quan, nhưng có hai mối tương quan chính là tương quan giữa con
người với Thiên Chúa và con người với nhau: Con người có bổn phận tôn
thờ và thi hành ý muốn của Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên mình, đồng thời
con người có những bổn phận trách nhiệm đối với anh em đồng loại, những
người cùng chung sống với mình trên một hành tinh. Đó là những bổn phận
đương nhiên con người phải làm để được sống trọn vẹn và hạnh phúc. Và
con người làm tốt được những bổn phận, hoàn tất được sứ mạng của mình đó
là nhờ hồng ân Chúa ban. Thế nên chẳng ai có quyền tự hào gì về những
công việc của mình dù tốt đẹp đến đâu. Tuy nhiên, vì có những con người
thấy mình ‘đạo đức’ hơn người, có những cống hiến hơn người thì lầm
tưởng rằng mình đầy những công nghiệp mà Thiên Chúa có bổn phận phải xem
xét và báo đáp, đồng thời lại coi khinh anh em đồng loại. Vì vậy mà Đức
Giê-su đã dùng dụ ngôn về bổn phận người tôi tớ để cảnh tỉnh mỗi người.
Ngày
xưa trong các chế độ phong kiến, nông nô thì các mối quan hệ chủ tớ còn
thịnh hành. Người nô lệ được chủ mua về có nhiệm vụ làm tất cả những
việc chủ sai bảo, trung thành phục vụ chủ tận tình. Có những đầy tớ hạng
sang như thị tì tôi tớ trong cung vua chúa quan quyền, có những đầy tớ
của các phú ông giàu có, nhưng cũng có đầy tớ của những gia đình trung
lưu bình thường… nói chung phận người đầy tớ hoàn toàn lệ thuộc vào
người chủ của mình. Chủ rộng lượng thì đầy tớ được nhờ, còn chủ khắt khe
thì đầy tớ cam chịu kiếp khổ ải.
Trong
thời đại khoa học văn minh ngày nay, người ta hầu như không còn những
mối tương quan chủ tớ nữa, nhưng vẫn có những mối tương quan tương
đương: Tương quan giữa chủ doanh nghiệp và nhân viên, chủ xưởng và người
làm công, giữa chủ nhà và người giúp việc, làm thuê…. Thường thì có
những hợp đồng trong công việc – hai bên thỏa thuận về mức lương, các
công việc và những điều kiện, yêu cầu. Chủ trả lương và người làm thuê
có bổn phận hoàn tất công việc mình cách tốt nhất theo yêu cầu, nếu
không anh ta có thể bị sa thải, mất việc. người chủ không hề phải biết
ơn anh ta và anh ta cũng không thể ca vãn, phàn nàn về công việc mình
phải làm. Tuy nhiên khác với những người đầy tớ đã nói ở trên, anh ta
vẫn có được quyền tự do nhất định ở mức độ nào đó (như có thể nghỉ việc
nếu anh ta không hài lòng hoặc tìm được việc tốt hơn).
Về
thân phận, chúng ta là tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng, là bình đất
sét trong tay thợ gốm và nếu được là đầy tớ của Thiên Chúa thì đã là
vinh hạnh, và có thể nói chúng ta là những đầy tớ hạng cực sang. Thế
nhưng, Thiên Chúa chúng ta – một ông chủ đầy từ bi nhân hậu – Người tạo
dựng chúng ta không phải để chúng ta phục vụ Người như một nô lệ, nhưng
cho chúng ta được tự do, có quyền làm chủ trên các tạo vật khác và được
cộng tác vào công trình sáng tạo của Người (x. St 1 - 2). Cứ chiêm ngắm
trình thuật tạo dựng để thấy được tình yêu vô bờ Thiên Chúa dành cho con
người (dường như tất cả mọi công trình vũ trụ là để cho con người và
phục vụ con người). Thiên Chúa tạo dựng con người để con người làm chủ
nó và tận hưởng những điều tốt đẹp do nó mang lại. Và còn hơn thế nữa,
vì yêu thương con người, Thiên Chúa qua Người Con chí ái của Người là
Đức Giê-su Ki-tô, Người cho chúng ta được làm con của người, được chia
sẻ hạnh phúc của Người được chia sẻ phần gia nghiệp của Người. Tình
thương và ân huệ của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta thật lớn
lao! Cuộc đời của chúng ta là một chuỗi những hồng ân nối tiếp hồng ân
mà chúng ta phải biết nhận ra và sử dụng những quà tặng hồng ân của
Thiên Chúa cách đúng đắn với lòng biết ơn. Vì thế, mỗi sớm mai khi thức
dậy cùng với bình minh, hít thở bầu khí trong lành, trong tâm tình tôn
thờ, ta hãy biết cảm tạ và tri ân Đấng tạo hóa. Và suốt ngày với lòng
biết ơn khi hưởng dùng mọi sự, chúng ta hãy chăm chút làm việc bổn phận
hằng ngày với tinh thần trách nhiệm và ý thức hoàn thành sứ mạng Chúa
giao phó cách tốt đẹp như người quản lý trung tín. Càng làm tròn bổn
phận với Thiên Chúa, càng chu toàn trách nhiệm đối với cuộc sống, với
đồng loại, với bản thân, chúng ta càng thêm dồi dào hồng ân và sống trọn
vẹn ý nghĩa cuộc đời. Vì thế, trong tất cả mọi việc làm, với tâm tình
khiêm tốn, biết ơn, chúng ta hãy nhìn nhận mình chỉ là một đầy tớ vô
dụng. Điều này giúp chúng ta tránh được thái độ kiêu căng tự mãn mà
Thiên Chúa rất ‘chướng mắt’, đồng thời giúp ta sống ôn hòa hơn, kiên
nhẫn hơn, khiêm nhu hiền lành hơn và yêu thương hơn. Khi thành công hay
làm được nhiều điều tốt đẹp, chúng ta hãy cảm tạ Chúa. Khi gặp rủi ro,
thất bại, yếu đuối, chúng ta cũng hãy khiêm tốn cảm tạ Chúa và xin ơn
trợ lực, giúp đỡ của Người xin Người giúp chúng ta rút được những kinh
nghiệm để vươn lên và sống cảm thông hơn với mọi người….
Cầu nguyện
1“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người!”
Xin cho con:
2“Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự,
Biết cho đi mà không tính toán,
Biết chiến đấu không ngại thương tích,
Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi,
Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa.
Con xin dâng Chúa con người của con,
Những gì con có xin dâng lại cho Chúa
Này là tự do ý chí của con
Này là trí nhớ trí hiểu của con…
Mọi sự đều là của Chúa
Xin dùng con theo thánh ý Ngài
Xin ban tình thương và ân sủng Chúa. Amen”
(1Lời kinh hòa bình của thánh Phan-xi-cô và 2 lời kinh của thánh I-nhã)
Nt. Maria Chinh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét