Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Chúa nhật 33 thường niên – năm B


Cuộc sống sẽ ra sao sau khi chết ? Tương lai con người đi về đâu? Đó là những câu hỏi không ngừng ám ảnh con người. Nhiều người đã tìm đến những thực hành dị đoan, bói toán để tìm ra câu trả lời và để tìm biết hậu vận tương lai.
Chúa nhật 33 mùa thường niên hôm nay là chúa nhật áp cuối của năm phụng vụ, chuẩn bị cho chúa nhật sau mừng kính Chúa Giê-su Vua vũ trụ. Vì vậy, Lời Chúa hướng chúng ta về giờ phút chung cục của cuộc đời, đồng thời đưa ra giải đáp cho những vấn nạn từ ngàn xưa. Những nấm mộ ngoài nghĩa trang nói với chúng ta rằng: con người sẽ không tồn tại mãi mãi nơi trần gian; tháng ngày đang dần trôi cũng nhắc nhở chúng ta: cuộc sống sẽ có hồi kết thúc. Trong một thị kiến, ngôn sứ Đa-ni-en đã được Chúa cho thấy ngày tận thế, lúc mà thời gian sẽ kết thúc, thân xác những người chết sẽ được sống lại, khởi đầu cuộc sống vĩnh cửu. Đây là đích điểm của lịch sử, là lúc Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Những người thánh thiện sẽ được chiêm ngưỡng Chúa và sẽ được hạnh phúc đời đời. Sách Đa-ni-en đã đưa ra một câu trả lời về hậu vận tương lai của con người, đồng thời nhắn nhủ mọi người hãy cố gắng sống tốt lành, bởi sẽ có những người sống lại để hưởng vinh quang, nhưng cũng có những người sống lại để chịu trầm luân mãi mãi.

Niềm tin vào đời sau biến những gì xa xôi thành gần gũi, vì những người đã ra đi thực sự vẫn ở gần và hiệp thông với chúng ta trong mọi lúc vui buồn. Niềm tin ấy cũng biến những điều không thể thành có thể, bởi lẽ thân xác con người đã hư nát trong mộ sẽ có ngày phục sinh để hòa hợp với linh hồn. Chính vì tin vào hạnh phúc vĩnh cửu mà chúng ta có thêm nghị lực vượt lên những khó khăn thử thách trong cuộc đời.
Trong tháng mười một dương lịch, người tín hữu được mời gọi dừng chân bên nấm mộ của người thân để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Những nấm mộ nhắc lại cho chúng ta những con người, những cuộc đời đã có thời trôi nổi phiêu bạt, đã có thời vinh quang mạnh mẽ, đã có thời yếu đuối vong thân.. nay đang an nghỉ chờ ngày sống lại. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI đã nói trong bài giảng thánh lễ cầu cho các hồng y, giám mục hôm 3-11-2012 như sau: “Khi chúng ta bước vào hành lang của các hang toại đạo - cũng như hành lang trong những nghĩa trang của các thành phố và quốc gia chúng ta - là như bước qua một ngưỡng cửa phi vật chất và đi vào hiệp thông với những người bị giam cầm bên trong, với quá khứ của họ, dệt bằng những niềm vui và nỗi buồn, mất mát và hy vọng. Sở dĩ như thế vì cái chết vẫn còn liên quan đến con người ngày hôm nay như thời đó, và nếu như nhiều điều trong quá khứ đã trở nên xa lạ với chúng ta, thì cái chết vẫn là như nhau”.
Suy nghĩ về sự mỏng giòn của kiếp con người, chúng ta nhận ra ở thế gian này chẳng có gì là bền vững, chỉ có công phúc là vững bền. Nghĩ về cuộc sống quá ngắn ngủi, như bông hoa sớm nở tối tàn cũng nhắc ta đừng thù hằn ghen ghét và mưu mộ hại nhau, vì con người chẳng sống ở trần gian này mãi mãi. Ngôn sứ Đa-ni-en cũng đã chiêm ngưỡng vinh quang của những ai dấn thân giúp người khác nên công chính: họ sẽ giống như những vì sao trên bầu trời. Như vậy, vinh quang đời sau của con người không đồng loạt giống nhau, mà tùy theo mức độ thánh thiện của họ khi còn sống ở trần gian.
“Hãy xem cây vả mà học hỏi”. Chúa dạy chúng ta hãy biết nhận ra những dấu chỉ thời gian, để nhận ra Nước Chúa đến gần. Những dấu chỉ thời gian hôm nay có thể là những bạn bè tốt, những sự kiện biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Qua những con người, sự việc và biến cố đó, Chúa đang ngỏ lời với chúng ta để giúp chúng ta thanh luyện bản thân, xây dựng tình liên đới và thực hành điều Chúa muốn.
“Gieo gió gặt bão”, “gieo nhân nào gặt quả ấy”, kinh nghiệm dân gian nói với chúng ta, cuộc sống hôm nay là mầm gieo cho tương lai. Trong Tin Mừng, Chúa nói với chúng ta:  hạnh phúc vĩnh cửu là kết quả của một cuộc sống chấp nhận qua cửa hẹp, để tôi luyện bản thân, nên thánh giữa đời thường.
Như vậy, đối với người tin Chúa, chẳng cần phải lo lắng bao giờ ngày tận thế đến, hoặc sẽ đến như thế nào, ở đâu. Điều quan trọng đối với chúng ta, như lời Chúa phán: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em” (Lc17,21). Vâng, Chúa đang ở đây, bên cạnh chúng ta. Hãy nhận ra Người, vì có Người, đời ta sẽ không phải trầm luân mãi mãi.
                                                   +Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét