Đại thi hào Nguyễn Du có viết trong tác
phẩm Truyện Kiều: “Tu là cõi phúc. Tình là dây oan”. Là những Kitô hữu, chúng ta nghĩ gì về
câu nói như thế? Tu và tình cái nào mới thật sự làm cho con người ta hạnh phúc
trong cuộc đời? Chúng ta có ba góc nhìn về vấn đề này: góc nhìn về chữ “tu”, góc nhìn về chữ “tình” và góc nhìn về hai chữ “hạnh phúc”.
Trước tiên, chúng ta bàn đến chữ “tu”. Người bình dân hay
trí thức, đạo hay đời thường có nhiều cách hiểu về chữ tu. Ông bà ta thường
bảo: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.” Quả
thật, câu nói này rất chí lý chí tình, bởi vì trên trần gian này còn tình yêu
nào cao cả và thiêng liêng cho bằng tình mẹ cha. Bên cạnh đó, nhiều người
thường nói với nhau rằng: “Tu là tù tự nguyện.” Câu nói này nghĩa là
gì? Thưa rằng, tu là sửa mình, là uốn mình vào trong một khuôn khổ kỷ luật như “vàng
cần thử lửa” hay như viên kim cương cần được gọt giũa liên tục mới trở nên
lấp lánh.
Vậy thì, ý nghĩa cốt lõi của chữ tu là rèn luyện, sửa đổi bản thân.
Vì thế, nhiều người quyết định đi tu. Người Công giáo đi tu là đi theo Chúa. Họ
trở thành những linh mục như lòng Chúa mong ước. Họ trở thành những tu sĩ dấn
thân phục vụ ở các mái ấm hay ở các trường tình thương…. Người Phật giáo đi tu
vào chùa ăn chay niệm Phật. Họ mong muốn trở thành những nhà sư hay những ni cô
thoát khỏi cảnh “tham sân si” của cuộc đời. Tựu trung lại, những người
đi tu là những người đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời của họ. Thế nhưng, con đường
ấy không phải mấy ai cũng dễ bước. Có những người đi tu nửa đường gãy gánh vì
họ nhận ra: mình không còn thích hợp với ơn gọi này. Tự trong sâu thẳm của cõi
lòng, họ không thấy bình an.
Tiếp đến, khi nói đến chữ “tình”, người ta thường nghĩ đến
những người sống ngoài đời. Họ là những người trẻ đang yêu nhau say đắm. Họ là
những đôi vợ chồng đang sống hạnh phúc với con cái trong đời sống hôn nhân gia
đình. Tuy nhiên, chữ tình không chữ dừng lại ở những khía cạnh hạn hẹp như thế.
Chữ tình còn là một nghệ thuật sống của con người. Vì thế, sống sao cho có tình
không phải người nào cũng thực hiện được. Xu hướng tự nhiên, con người ai cũng
nghĩ đến bản thân, không thích quan tâm đến người khác. Nhiều người hạnh phúc
khi làm việc từ thiện. Nhiều người hạnh phúc khi giúp đỡ cho những em thiếu nhi
khuyết tật đui mù. Họ là những con người đang sống chữ tình thương như lời Chúa
Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
(Ga 15,12). Điều này đã được thánh Phaolô cảm nghiệm thấm thía như sau: “Tình
yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (1Cr 13,8).
Bạn thân mến, vậy thì phải hiểu câu nói “Tu là cõi phúc, tình
là dây oan” như thế nào? Điều này liên hệ tới quan niệm về hai chữ “hạnh
phúc” nơi mỗi chúng ta. Thế nào là hạnh phúc? Thật khó trả lời bởi vì có
bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu quan niệm về hạnh phúc. Có người cho rằng
hạnh phúc khi có một việc làm ổn định và kiếm thật nhiều tiền. Có người quan
niệm hạnh phúc khi đi tu giúp đỡ những mảnh đời túng thiếu. Hay có người nghĩ
rằng hạnh phúc khi có một người vợ đẹp, một đứa con ngoan, một nhà cao tầng, Tuy nhiên, chắc hẳn bạn và tôi đều đồng ý với
nhau rằng: sẽ không có hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc đời này.xe bốn bánh. Còn theo
tôi, hạnh phúc là khi mình biết rõ mình đang muốn cái gì? Và hạnh phúc là khi
mình biết chấp nhận điều mình muốn. Điều này cũng giống như hai mặt của một
đồng tiền. Vấn đề đặt ra là mình có chấp nhận một trong hai mặt của đồng tiền
ấy hay không mà thôi. Thật không dễ để chúng ta đưa ra quyết định phải không
các bạn? Bởi vậy, nhiều người giàu có hạnh phúc, vui vẻ với những bữa ăn thịnh
soạn, linh đình. Tuy nhiên, người dân quê vẫn cảm thấy hạnh phúc đầm ấm với
những bữa ăn với “canh rau muống” hay với “cà giầm tương”.
Hạnh phúc không hệ tại ở những bữa ăn với “sơn hào hải vị”. Nhiều khi hạnh phúc
tồn tại ở những điều rất bình dị đời thường trong cuộc sống này.
Vì thế, đi tu hay sống giữa đời chỉ khác nhau ở hình thức. Điều cốt
lõi là chúng ta đang đi tìm hạnh phúc. Có rất nhiều ơn gọi nhưng chỉ có một
cuộc đời. Vì vậy, chúng ta cần nhận ra con đường nào thích hợp với mình: con
đường ấy tôi có thật sự muốn? Con đường ấy có thật sự làm tôi thoải mái bình
an? Đây là chuyện của cả một đời. Điều quan trọng là chúng ta có dám quyết định
cho cuộc đời của mình hay không? Chúng ta đừng để ai quyết định thay cho cuộc
đời chúng ta. Có khi quyết định của chúng ta nông nổi và sai lầm. Vấn đề quan
trọng là: bạn và tôi có dám chấp nhận và làm chủ cuộc đời của mình hay không mà
thôi.
Nói tóm lại, cuộc sống này luôn là một quà tặng. Cuộc sống ấy luôn
có nhiều bất ngờ và thú vị. Vì thế, câu nói “Tu là cõi phúc, tình là dây
oan” là tùy theo não trạng suy nghĩ của mỗi người. Thế nhưng, điều tôi
muốn nói với các bạn thế này: chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc khi sống trong
Chúa mà thôi. Nếu chúng ta bỏ Chúa thì cuộc đời chúng ta sẽ kéo lê trong những
bất an đau khổ. Hơn thế nữa, chúng ta thường rất dễ bỏ Chúa để làm làm theo ý
riêng. Dù vậy, Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Ngài luôn cho ta cơ hội để trở
về và làm lại cuộc đời: Lúc nào và cách nào? Chắc chắn, chúng ta sẽ cảm nghiệm
được bàn tay huyền diệu của Chúa trong cuộc đời.
Tâm Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét