Trong những ngày vừa qua, toàn thể Giáo hội đã long
trọng khai mạc Năm Đức Tin, bắt đầu từ ngày 11/10/2012 đến ngày 24/11/2013. Qua
Tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha đã thúc giục mọi tín hữu hãy tái khám
phá hành trình đức tin của mình, để sống đức tin một cách trưởng thành, trong
sự tự do và phong phú mà Thiên Chúa đã trao ban.
Cùng “nhịp đập
con tim” của Giáo hội, Chương trình Chuyên đề Giáo dục thuộc Ban Mục vụ Gia
đình Tgp.. Sài Gòn, đã tổ chức khóa học “Sống Đức Tin” gồm 6 đề tài vào các
chiều thứ Bảy, kể từ ngày 20/10/2012, nhằm giúp các tín hữu trong Tổng Giáo
phận có thể cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sống Đức Tin. Buổi nói
chuyện đầu tiên trong khóa này mang tên “Sống Đức Tin Giữa Đời Thường”, do
Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP chia sẻ, đã thu hút đông đảo các nam nữ tu sĩ
và giáo dân, ngồi chật kín Hội trường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thuộc
Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.
Biểu dương đức tin
Sau bài múa khởi động và cầu nguyện đầu giờ như thường
lệ, trong vai trò dẫn chương trình phụ giảng cho Cha giáo Giuse Nguyễn Trọng
Viễn, Thầy Giuse Hà Đình Tuấn đã giới thiệu phần dẫn nhập đề tài. Theo thầy,
sống đức tin giữa đời thường là biểu hiện của niềm tin trong từng khoảnh khắc
của cuộc sống, là tuyên xưng, phó thác vào Đấng Cao Cả là Thiên Chúa. Tại Thế
vận hội Luân Đôn năm 2012 vừa qua, mọi người rất vui mừng và xúc động khi chứng
kiến giây phút nữ vận động viên cự ly dài, người Ethiopia Meseret Defar chạm
đích đến để đoạt huy chương vàng của cuộc thi, chị đã hôn lên hình Đức Mẹ và òa
khóc trong nỗi vui mừng ngất ngây. Chị Defar đã công khai thể hiện niềm tin của
mình một cách đơn sơ và mộc mạc để tạ ơn Thiên Chúa đã cho chị chiến thắng. Còn
mỗi người chúng ta, đâu là một hành động đức tin trong đời thường? Những khoảnh
khắc thinh lặng, buông lỏng để phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa,
chúng ta có cầu nguyện không? có sống niềm tin không?
Các lãnh vực của lòng tin
Để khơi gợi đề tài sống đức tin trong đời thường, thầy
đã dẫn dắt khán thính giả đi tìm ý nghĩa của các lãnh vực của lòng Tin, vốn
được đặt trong những xô bồ, bấp bênh, tất bật của cuộc sống hằng ngày. Nó được
thể hiện rất rõ nét qua việc giữ chữ Tín trong gia đình và ngoài xã hội.
Chữ tín
Trích dẫn từ một bài báo mang tên “Chữ tín người cầm
bút”, thầy đã kể những câu chuyện của những nhà báo đã đánh mất chữ tín của
mình trong quá trình tác nghiệp, khiến cho người ta mất đi lòng tin nơi giới
nhà báo.
Một nhà báo nọ đã đến gặp một lão nghệ nhân còn lưu
giữ rất nhiều tư liệu quý về “Chuyện cười dân gian”, nài nỉ xin cụ cho mượn tài
liệu và hứa sẽ gửi trả. Nhưng mượn được rồi thì “lặn” mất tăm, làm cụ đợi hết
ngày này qua tháng nọ. Còn cô phóng viên kia đến gặp một vị lão thành cách mạng
xin phỏng vấn để viết bài. Cô hứa sẽ gởi bản thảo để cụ sửa cho chính xác về
cuộc đời hoạt động của cụ. Nhưng sau đó thì cô tự tiện viết thêm thắt không
đúng sự thật, có những chi tiết cụ kể với tính cách riêng tư, nhưng cô cũng đưa
lên mặt báo, làm cho một số bạn bè của cụ đọc bài báo lại hiểu lầm, rằng cụ
thêm thắt, kể công vì thích được danh tiếng. Kế đến là câu chuyện phóng viên
hẹn phỏng vấn ông giám đốc, nhưng trễ hẹn cả tiếng đồng hồ, để ông phải chờ
đợi; hoặc có phóng viên phỏng vấn một bà lão, hứa sẽ tặng báo biếu khi bài được
đăng, nhưng xong việc rồi thì “cao chạy xa bay”.
Để kết thúc phần gợi mở, thầy cho hay: Lương tâm nghề
nghiệp và thái độ tôn trọng của bản thân đối với các mối tương quan gia đình,
nghề nghiệp và xã hội là rất quan trọng. Chữ tín có một giá trị rất lớn, nó là
tài sản khổng lồ mà ít người để ý đến. Và để có tài sản này, đôi khi chúng ta
phải xây dựng nó từng phút một. Thế nhưng, để phá hủy tài sản vô giá ấy, chỉ
cần một lần thất hứa, thì uy tín của chúng ta đã bị sụp đổ tan tành.
Lời hứa
Với phong cách vui vẻ, cởi mở và cuốn hút người nghe,
Cha Giuse đã mở đầu bằng cách đặt ra một tình huống thú vị về lời hứa: Một anh
nọ hứa sẽ cho bạn mượn tiền vào đầu tháng sau, nhưng rủi thay, ngay cuối tháng
đó, trộm đã vào nhà lấy sạch tiền, anh phải giải quyết thế nào khi người bạn
đến hỏi vay tiền? Phải chăng anh nói thật rằng mình bị mất trộm nên xin bỏ qua
để khỏi phải thực hiện lời hứa? Thực tế, có những lúc người ta phải vượt qua
được tình huống hiện tại, để giữ trọn lời hứa. Vì thế, tuy hết tiền nhưng anh
phải tìm mọi cách để thực hiện lời hứa. Đó là phẩm chất đặc biệt của một con
người có nhân cách.
Trong thực tế của cuộc sống, chúng ta vẫn phải có lời
hứa, giao ước, giao kèo và hợp đồng. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng,
một khi đã hứa, đã giao kèo thì không thể phớt lờ cho qua, mà phải thực hiện
cho bằng được. Như vậy, mới thực sự là người có giáo dục và nhân bản.
Đi vào đời sống gia đình, có người thấm thía rằng: Đời
sống gia đình thật nặng nề, khó khăn, thậm chí cay đắng! Nhưng một khi đã đưa
nhau tới nhà thờ, đã thề hứa trước mặt Chúa và Hội Thánh, thì dù có ra sao
chúng ta cũng không được phá vỡ cuộc hôn nhân. Cần phải nhận thức rằng: Hôn
nhân Công giáo là một giao ước và được bảo đảm bằng lời hứa của chính mình. Sâu
xa hơn, nhờ ân sủng Chúa ban qua bí tích Hôn Phối, đôi bạn sẽ chu toàn trách
nhiệm vợ chồng và giữ lòng chung thủy với nhau cho đến trọn đời.
Chúa đã hứa rất nhiều với con người: Trong vườn Địa
đàng, Chúa hứa cho dòng dõi người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn. Chúa hứa với tổ
phụ Abraham sẽ cho dòng dõi ông đông dúc như “sao trên trời, như cát dưới
biển”. Chúa hứa sẽ đưa dân Do Thái về miền đất hứa “chảy sữa và mật ong”… và
Ngài đã thực hiện trọn vẹn. Qua những việc thực thi lời hứa ấy, Chúa muốn mời
gọi chúng ta hãy tin tưởng nhau, hãy thi hành lời hứa, và nắm bắt được những
dấu hiệu của niềm tin.
Tâm, tài và luật pháp
Ngày xưa, cụ Nguyễn Du nói rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nghĩa là cái tâm quan trọng hơn
cái tài. Hơn nữa, phải có cái tâm mới có thể hướng dẫn, điều khiển được cái
tài, và tùy theo mức độ của tài mà có cái tâm thích hợp. Ngược lại, người có
tâm lớn nhưng tài mọn thì sẽ trở thành kẻ phá hoại. La Tử Phúc có nói: “Có học
vấn mà không có đạo đức là người ác. Có đạo đức mà không có học vấn là người
quê”. Tuy nhiên, có vẻ như phương án về tâm và tài đã không thể thực hiện được
trong thời đại ngày nay do mọi sự đang tiến bộ quá nhanh: cái gì cũng phải học
hỏi, cái gì cũng phải thăng tiến, cái gì cũng phải có thêm kiến thức. Dường
như, sự phát triển đã buộc người ta không thể chờ những người có đủ cái tâm để
dạy những kiến thức đáp ứng cho nhu cầu của thời đại, vì vậy người ta chọn cách
loại bỏ cái tâm đi, chỉ lấy cái tài. Ai có nhu cầu học hỏi bất cứ ngành nghề
gì, cứ đóng tiền thì học, họ không cần biết cái tâm thế nào, có hợp với ngành
nghề cần học hay không; còn ai có khả năng dạy kiến thức thì cứ dạy, chẳng cần
dạy về lương tâm nghề nghiệp ra sao.
Với xu thế phát triển, người ta lấy pháp luật thay cho
cái tâm, thay cho chữ tín; người ta tin pháp luật sẽ giải quyết mọi tình huống
trong xã hội. Nhưng trong thực tế, luật pháp không thể kiểm soát hết được; vả
lại, bao nhiêu chuyện trong đời sống xã hội không phải lúc nào cũng dùng đến
pháp luật. Thế là lãnh vực của cái tâm, trong đó có chữ tín, ngày càng bị giảm
sút. Thế nên, người ta không còn biết tin ai; thức ăn, đồ dùng thật giả, độc
hại, nguy hiểm cho sức khỏe con người thế nào không biết đâu mà lường!
Tình thế của xã hội ngày nay khiến người ta không còn
coi trọng chữ tín, vì họ tin rằng: Luật pháp có thể giải quyết được tất cả. Tuy
nhiên, luật pháp “cần” nhưng “không đủ”. Vì thế, niềm tin không phải là vô ích,
con người cần phục hồi niềm tin, cần tìm lại chữ tín trong cuộc sống đời
thường.
Phẩm chất của lòng Tin
Trước khi trình bày về phẩm chất của lòng Tin, Cha
Giuse đã giới thiệu cho cộng đoàn xem đoạn video nói về 10 phẩm chất oai hùng
của các chứng nhân đức tin thời kỳ Tông tòa của Giáo hội Việt Nam từ năm 1659
đến 1960. Đó là: không cuồng tín, không để liên lụy, không man trá, cuộc đời
như một Thánh lễ, tôn trọng pháp quyền, gắn kết cộng đoàn, tuyên xưng đức tin,
trung tín đến cùng, lòng bao dung tha thứ, xác tín với niềm tin Phục sinh.
Con người bắt đầu đi vào một phẩm chất khác trong
tương quan với nhau. Bởi vì, khi người ta không có lòng đón nhận nhau thì đành
phải tìm cách ép buộc nhau. Người ta thường thích thống trị theo kiểu bạo chúa.
Nhưng không bao giờ chinh phục được nhân tâm do chỉ có bạo lực và thống trị,
cho nên càng độc tài bao nhiêu càng cô đơn bấy nhiêu, vì không ai thực sự quý
trọng mình. Thế nhưng, sống lòng tin là để cho tha nhân tự do thực hiện điều mà
bản thân mình khao khát, mong ước.
Tin để sống thú vị như một cuộc chơi. Vì khi tha nhân
tự nguyện đáp lời mời gọi của mình thì niềm vui sẽ vỡ òa. Con người cần có niềm
vui, và niềm vui lớn nhất, sâu xa nhất chính là đi vào cuộc phiêu lưu với mối
tương quan cao đẹp. Đó là mối tương quan tự khám phá nhau, tự nguyện làm điều
mà người kia thích, đồng thời chờ đợi người kia làm những điều có thể thỏa mãn lòng
mình. Sâu xa nhất, là người ta khao khát tình nghĩa, đó chính là phẩm chất của
lòng tin. Trong cuộc phiêu lưu này, người ta giữ khoảng cách với nhau để không
xâm phạm vào nhau, không phải mạnh ai nấy đi, không phải do luật chi phối mà do
lòng tin gìn giữ để có thể đi vào cuộc chơi song song bay lượn.
Tin là phẩm chất cao quý nhất trong mối tương quan
giữa con người với nhau, không luật pháp hay lối giải quyết nào có thể thay
thế, chỉ có chiều ý nhau trong niềm tin vào nhau, đó là cách tương quan với nhau
trọn vẹn phẩm giá con người hơn hết.
Con người chỉ có thể được cứu nhờ lòng Tin
Để cứu độ con người, Chúa mời gọi con người tin vào
Chúa. Tin vào Chúa là để được cứu rỗi. Nhưng cần phải biết mình được cứu khỏi
cái gì. Chỉ khi nào hiểu ra mình được cứu khỏi cái gì thì mới có thể hiểu được
cần có đức tin vào Chúa như thế nào. Vì thế, cần trở về điểm căn bản quan trọng
trong đời sống đức tin, như lời Thánh Phaolô: “Nguyện xin Thiên Chúa gìn giữ
anh em để thần trí, linh hồn và thân xác anh em được vẹn toàn, không gì đáng
trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5,23).
Theo quan niệm của người Do Thái, con người toàn diện
có 3 khía cạnh: thần trí, linh hồn và thân xác. Thần trí của con người nghĩa là
con người toàn diện trong khía cạnh tương giao với Chúa. Khi nói thân xác con
người yếu đuối nghĩa là con người toàn diện trong khía cạnh yếu đuối và bị bế
tắc của mình. Khi nói linh hồn của con người thì đó cũng là con người toàn diện
trong khía cạnh là sự sống nội tại, có suy nghĩ, có khao khát, có yêu mến, có ý
chí, có những quyết định trong cuộc đời. Linh hồn đó hoặc là “hứng theo thần
trí”, hoặc là “hứng theo xác thịt”.
Nếu con người toàn diện trong khía cạnh thần trí tương
giao với Chúa thì khi ăn cơm, chúng ta thánh hóa giờ ăn; khi đi ngủ, chúng ta
làm dấu thánh giá thánh hóa giờ ngủ; hoặc có đi chơi, làm việc đi nữa, chúng ta
vẫn sống với Chúa trong thân xác của mình.
Nếu con người toàn diện trong khía cạnh thân xác yếu
đuối hay cuộc sống nội tại đã “hứng theo xác thịt” thì ngay cả khi đọc kinh thờ
phượng Chúa hay tham dự Thánh lễ là tương giao với Chúa, nhưng người ta vẫn có
thể có thái độ theo tính xác thịt, nghĩa là chỉ làm lấy lệ, cho xong bổn phận
chứ không thực sự sống trong mối tương quan thực sự với Thiên Chúa. Nếu linh
hồn không “hứng theo thần trí”, nghĩa là không tin vào Chúa, không mở cửa thần
trí ra thì mọi suy tính, làm việc, ao ước, quyết đoán chuyện này, chuyện kia
toàn là theo tính xác thịt. Nếu con người giao tiếp với vũ trụ (ăn, uống ngủ,
nghỉ) và giao tiếp với nhau mà không “hứng theo thần trí” thì người ta bị giam
hãm trong tính xác thịt, đó là những suy tính rất đời thường của con người.
Trong suy tính đó, sự ác xuất hiện, dấu hiệu của sự chết xuất hiện và cuộc sống
bị bế tắc. Từ đây, có thể thấy rằng người ta không bao giờ có thể tự cứu chính
mình. Đây là chỗ chúng ta cần phải nhận ra để được cứu rỗi khi tin vào Chúa.
Điều đầu tiên, để được cứu rỗi, chúng ta phải chống
lại sự ác nhởn nhơ trước mặt. Khi dám mơ ước một thế giới thuần thiện thì con
người cần mở rộng lòng ra: “hứng theo thần trí” để khát vọng yêu thương, hiệp
nhất; nhận ra sự bế tắc của cuộc đời này để tin mình cần được cứu khỏi sự ác
của tính “hứng theo xác thịt” đã chi phối đời mình.
Đức tin
Đức tin có hai nội dung là gắn bó với Chúa và chấp
nhận mọi điều Chúa dạy. Tin vào Chúa là tin mình cần được cứu, tin vào chính
Chúa. Khi đón nhận một con người, chúng ta chấp nhận hết bản tính của người đó
dù có thế nào chăng nữa, ta vẫn đón nhận hết. Đó là đi vào một cuộc phiêu lưu,
đón nhận tất cả những gì có thể xảy ra. Đây mới đúng là tin. Tương tự như vậy,
tin vào Chúa là phải đi vào cuộc phiêu lưu với Chúa. Bởi vì, chỉ có dám tin từ
ngày này sang tháng nọ thì mới phát hiện những điều hay qua lời Chúa dạy theo
thời gian, và mới thấy hiệu quả của Đức Tin xảy ra trong cuộc đời mình.
Nếu chúng ta tin mà không gắn bó với Chúa, chỉ chào
đón cái này mà loại bỏ cái kia theo ý riêng mình, thì đó là niềm tin theo kiểu
“giáo phái”, chỉ lựa chọn một số trong những điều Chúa dạy, không đi vào cuộc
chơi được, không phải là niềm tin đích thực.
Một mẫu gương cho niềm tin đích thực chính là Đức Hồng
y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Khi ngài bị bắt và bị giam giữ tại chính
giáo phận mà trước đây ngài dẫn dắt, ngài cảm thấy mọi công việc bị bế tắc khi
chọn công việc của Chúa giao, nhưng rồi ngài nghiệm ra một điều như là Chúa nói
với ngài: “Con chọn Thầy hay chọn công
việc của Thầy?” Và mấu chốt, điểm bừng tỉnh làm cho ngài đi vào con đường
thánh thiện chính là ngài đã chọn Chúa, tin vào Chúa cho dù con đường Chúa dẫn
ngài đi vào lúc đó, là nơi ngục tù.
Đức Tin Kitô giáo
Theo Công đồng Vatican II, sống Đức Tin là sống đời
mình như một lịch sử cứu độ. Lịch sử ơn cứu độ là một hoa trái đặc biệt của
truyền thống Do Thái giáo, nơi Chúa dẫn dắt Dân riêng của Ngài qua nhiều thế
hệ, cho đến khi Chúa Giêsu nhập thể làm người cứu độ nhân loại. Ý nghĩa của đức
tin thiết yếu là sống đời mình như một lịch sử cứu độ, tức là phải sẵn sàng
phiêu lưu để Chúa dẫn dắt cuộc đời của mình.
Đức Tin trong đời thường
Đức Tin trong đời thường đòi buộc người ta dám phiêu
lưu. Và dấu chỉ để ta nhận ra có Chúa vẫn đang đồng hành với mình chính là
chúng ta vẫn còn niềm hy vọng trong đời sống, và thấy được bề dày trong tương
quan của mình với Chúa mỗi ngày càng dày lên dù trong gian khổ. Đó thực sự là ý
nghĩa đức tin trong đời sống hằng ngày.
Tạm kết
Qua bài chia sẻ rất sâu sắc và thực tế, Cha Giuse đã
giúp các tham dự viên không chỉ nhận ra các lãnh vực của lòng Tin mà còn hiểu
rõ các phẩm chất của lòng Tin ấy. Từ đó, ngài đã dẫn đưa khán thính giả đến với
giáo lý quan trọng của Hội Thánh Công giáo, đó là “Con người chỉ có thể được
cứu rỗi nhờ lòng Tin”. Thật vậy, Thánh Phaolô Tông đồ đã khẳng định: “Chính
do ân sủng và nhờ lòng Tin mà anh em được cứu độ” (Ep 2,8). Với niềm xác
tín đó, kể từ nay, chúng ta sẽ quyết tâm chọn Chúa, tin vào Chúa, và sống với
Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời, cho dù phải gặp muôn vàn gian lao, thử
thách. Được như thế là chúng ta đang: “Sống
Đức Tin giữa đời thường.”
Tạ Ân Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét