Tại cánh đồng Bêlem vào đêm Chúa giáng trần, sứ thần đã nói với
các mục đồng: “Này đây tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là
tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong
thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Với lời loan
báo ấy, sứ thần muốn trấn an các mục đồng trước nỗi kinh khiếp hãi hùng của họ,
đồng thời cũng giới thiệu cho họ về một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng
cho nhân loại. Món quà ấy là Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. Đây là món
quà chẳng của riêng ai mà được ban tặng cho toàn thế giới.
Sau này, trong một cuộc đàm đạo vào ban đêm, chính Đức Giêsu tuyên
bố với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai
tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga
3,16). Với lời này, Đức Giêsu khẳng định Người là món quà mà Chúa Cha ban tặng
cho thế gian.
Trong mối tương quan đời thường, tặng quà cho ai là nói lên sự
trân trọng quý mến đối với người đó. Có thể đó là những món quà rất đơn sơ,
nhưng đều diễn tả tấm lòng của người tặng, vì thế mà ông bà ta thường dạy: “Của
cho không bằng cách cho”. Những món quà đúng nghĩa không bao giờ kèm theo ý
đồ trục lợi theo kiểu “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”, tức là cho quà
với dụng ý tranh thủ, mua chuộc.
Mỗi chúng ta chắc hẳn đã hơn một lần cảm nghiệm niềm vui khi chúng
ta trao tặng những món quà. Nếu người nhận được hưởng niềm vui vì có quà, thì
người tặng lại có niềm vui vì được chia sẻ. “Cho thì có phúc hơn nhận”
(Cv 20,35), triết lý của sự sẻ chia kỳ diệu là thế. Khi tặng quà, chúng ta vui
vì mình đã làm một việc nghĩa, đồng thời vui khi thấy món quà của mình đem niềm
hạnh phúc cho người khác.