Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Và đã làm người


        Khi đọc Kinh Tin kính, đến tín điều diễn tả việc Ngôi Lời nhập thể trong lòng Đức Maria, Phụng vụ khuyên chúng ta cung kính cúi đầu hoặc bái gối, để tưởng niệm một thời khắc lịch sử quan trọng của ngày Truyền tin: với lời thưa “Xin vâng” của Đức Maria, “chốc ấy” Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt nơi cung lòng của Mẹ. Đấng vĩnh cửu đã bước vào thời gian. Thiên Chúa đã đến cắm lều và cư ngụ giữa con người.
Thiên Chúa làm người. Đây không phải câu chuyện hoang đường, mà là một trong ba “Mầu nhiệm cả” của đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này diễn tả mối tương quan gần gũi giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời trình bày cho ta thấy một quan niệm rất đặc biệt về Ngài.
Từ thuở con người được sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên họ giống hình ảnh Ngài (x St 1,27). Khi nói con người giống như Thiên Chúa, cũng có nghĩa là Thiên Chúa giống như con người. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa trân trọng họ, muốn tạo mối liên hệ rất thân thiết với họ. Là Đấng Sáng tạo, Thiên Chúa không chỉ để lại dấu ấn của Ngài nơi các tạo vật khác như thiên nhiên vũ trụ, mà Ngài muốn in dấu hình ảnh của Ngài nơi khuôn mặt con người, để rồi khi nhìn thấy con người là người ta có thể nhận ra một phần vinh quang của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa còn muốn tự đồng hóa với con người, mặc dù Ngài là Tạo Hóa, còn con người chỉ là tạo vật. Chân dung Thiên Chúa được thể hiện rất độc đáo qua lối trình bày này. Sau này, mối tương quan ấy được chính Chúa nhấn mạnh trong lời phán với ông Môisen từ bụi gai cháy bừng: “Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3, 15). Chắc chắn ông Môisen và mọi con cái Israel khi nghe những lời này đều hồi tưởng về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã làm đối với Tổ phụ của họ trải qua suốt bề dày lịch sử dân tộc. Thiên Chúa tạo dựng con người không chỉ giống như người thợ gốm nặn nên những chiếc bình, mà Ngài còn chủ động đặt mối tương quan thân tình với họ, làm cho họ nên giống như Ngài.

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng – Năm C


“Tỉnh thức sẵn sàng”
Trong những ngày này,  nhiều người xôn xao vì những thông tin trên một số trang mạng về ngày tận thế, theo đó thì ngày tận thế sẽ vào ngày 23 tháng 12 năm 2012. Tuy có một số người hoang mang trước những tin đồn này, nhưng phần lớn lại chẳng quan tâm. Trong lãnh vực thương mại kinh doanh, người ta vẫn giao dịch làm ăn như thường, mặc dù có lúc cũng nhắc tới những thông tin này. Xem ra con người ngày nay không mấy bận tâm đến ngày tận thế. Thực ra, họ cũng có lý, vì trong lịch sử, khá nhiều lần người ta loan báo sắp tận thế, vậy mà tận thế cũng chẳng đến.
Có một câu chuyện kể về một làng xóm miền quê hẻo lánh thời xưa hay bị quân cướp từ xa đến giết người cướp của. Những người dân trong làng quyết định thành lập một tổ bảo vệ gồm thanh niên vạm vỡ khỏe mạnh, làm chòi thường trực 24/24. Một ngày nọ, mấy anh thanh niên ngồi trực mãi thấy buồn, liền bảo nhau: “hay là mình thử bảo động xem mọi người có tới không”. Và họ gõ kẻng báo động. Mọi người từ ngoài đồng chạy về, từ trong làng chạy ra, vì họ nghe tiếng kẻng. Sau khi biết mấy chàng thanh niên chỉ đùa cho vui, họ trở về với công việc của mình. Chừng một tháng sau, có quân cướp xuất hiện. Mấy anh canh gác tha hồ mà gõ kẻng, nhưng chẳng ai quan tâm vì tưởng họ lại đùa như lần trước. Kết quả là cả làng bị tàn phá, những người già ở nhà bị giết và của cải bị lấy đi sạch.